(HNM) - Dù mới bắt đầu bước vào mùa mưa bão nhưng nhiều đoạn bờ sông Bùi, Đáy thuộc địa bàn Hà Nội đã xuất hiện sự cố sạt lở làm mất đất sản xuất, hư hỏng công trình, gây lo lắng cho người dân các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa... Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, thành phố Hà Nội đã công bố tình trạng khẩn cấp và giao cơ quan chức năng cấp bách xây dựng các công trình khắc phục sự cố.
Nhiều vị trí sạt lở nguy hiểm
Chỉ những vết nứt nẻ trên tường ngôi nhà cấp 4, ông Đinh Công Vinh, người dân thôn Mới, xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ) cho biết: "Đây là hậu quả sự cố sạt lở bờ sông Bùi gây ra. Nếu hôm đó, lực lượng chức năng của xã không gia cố kịp thời khu vực sạt lở thì ngôi nhà của tôi đã bị "hà bá" cướp mất rồi".
Thực tế, mức độ sạt lở ở đây là rất nghiêm trọng, nhiều vị trí sạt lở áp sát công trình giao thông, nhà cửa, đất vườn của người dân. Ông Vũ Đức Hậu, công chức địa chính xã Hồng Phong cho biết, xã có gần 1.340m bờ sông bị sạt lở, lấn vào đất liền, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của 53 hộ dân.
Trong khi đó, không riêng sông Bùi, nhiều đoạn sông Đáy đi qua các huyện Phúc Thọ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa... cũng xảy ra nhiều sự cố sạt lở sau các trận mưa hoặc lũ lớn. Ví như sự cố sạt lở bờ sông tại xã Viên An (huyện Ứng Hòa) và xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) xảy ra tháng 10-2020 đã làm nhiều đoạn tường rào, công trình phụ của người dân bị nứt.
Theo thống kê của Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 12 sự cố sạt lở bờ sông, trong đó có 7 sự cố trên tuyến sông Bùi và sông Đáy. Những sự cố này đã được chính quyền cấp cơ sở xử lý ngay từ giờ đầu.
Theo Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội) Phạm Quang Đông, nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở là kết cấu bờ sông ở Hà Nội chủ yếu là cát nên khi mưa lớn trong nhiều ngày đã phá vỡ tính liên kết. Bên cạnh đó, mực nước các sông Bùi, Đáy đoạn qua Hà Nội thường xuống rất thấp trong mùa kiệt, tạo thuận lợi để hình thành các vết nứt tự nhiên trên bờ sông. Gặp mưa lớn hoặc nước sông dâng cao, các vết nứt này phát triển, gây ra sự cố sạt lở khi nước sông rút nhanh. Ngoài ra, việc xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ các sông cũng là nguyên nhân gây sự cố.
Tăng cường các giải pháp
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, Sở NN &PTNT Hà Nội đã phối hợp các sở, ngành liên quan kiểm tra và xác định những sự cố nguy hiểm cần phải đầu tư xử lý theo hình thức khẩn cấp. Trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành liên quan, UBND thành phố Hà Nội đã công bố tình trạng khẩn cấp và giao Sở NN&PTNT Hà Nội, các huyện, thị xã làm chủ đầu tư xây dựng công trình xử lý cấp bách 11 sự cố đê, kè, cống, sạt lở bờ sông khi được bố trí vốn... Những sự cố còn lại, thành phố giao các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời xử lý khi sự cố phát triển.
Có mặt tại công trình xây dựng chống sạt lở bờ sông Bùi, đoạn xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) trong ngày 26-6, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy không khí làm việc ở đây rất khẩn trương dù trời nắng nóng gay gắt. Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hùng Linh Trần Văn Phúc cho biết, ngay sau khi được Sở NN&PTNT Hà Nội (chủ đầu tư) bàn giao mặt bằng, doanh nghiệp đã tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đầu tháng 7-2021 sẽ hoàn thành phần thả đá hộ chân bảo vệ bờ sông.
Tương tự, trên công trường xây dựng công trình khắc phục sự cố, phòng, chống sạt lở bờ sông đoạn qua các xã: Đồng Phú, Hòa Chính, Phú Nam An (huyện Chương Mỹ), Viên An (huyện Ứng Hòa)... các đơn vị thi công đã huy động nhân lực, phương tiện, vật tư, lập kế hoạch ưu tiên hoàn thành hạng mục thả đá hộ chân đê trước tháng cao điểm của mùa mưa năm nay.
Chứng kiến công trình đang được thi công khẩn trương, ông Nguyễn Văn Thuận, người dân xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) cho biết, được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ sông Đáy, hơn 100 hộ dân ở đây không còn thấp thỏm nỗi lo mất đất, hư hỏng nhà cửa trong những trận mưa sắp tới.
Về trách nhiệm của địa phương, các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa... đã phối hợp các chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phương án bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa bão. “Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ứng Hòa đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, nhân lực sẵn sàng ứng phó sự cố sạt lở bờ sông Đáy đoạn qua xã Đội Bình, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân”, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Dương Hồng Điệp cho biết.
Với sự quan tâm của thành phố, nhiều vị trí bờ sông sẽ được kiên cố hóa. Người dân sinh sống ven sông Bùi, Đáy thuộc địa bàn Hà Nội sẽ vơi đi nỗi lo mất đất, hư hỏng công trình... trong mùa mưa bão năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.