Thời tiết miền Bắc đang trong những ngày mưa nồm ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển.
Cùng với cúm mùa, số ca mắc sởi cũng đang gia tăng, trong đó đã ghi nhận nhiều trẻ mắc bệnh khi chưa đến tuổi tiêm chủng. Chính vì vậy, từ ngày 17-2, Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sởi.
Người dân hưởng ứng nhiệt tình
Trong ngày đầu tiên triển khai chiến dịch, quận Hai Bà Trưng và thị xã Sơn Tây tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Các quận, huyện còn lại sẽ triển khai tiêm chủng trong các ngày tiếp theo.
Ghi nhận tại Trạm Y tế phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) ngày 17-2 cho thấy, dù trời mưa rét nhưng ngay từ sáng sớm đã có rất đông phụ huynh đưa con đi tiêm chủng. Không chỉ bố trí đầy đủ ghế ngồi, trạm y tế này còn bổ sung thiết bị sưởi ấm cho trẻ, đồng thời phân chia khu vực tiếp đón, khám và tư vấn, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm… để tránh ùn ứ.
Đưa con trai 8 tháng tuổi đến tiêm chủng từ rất sớm, chị Hoàng Thị Vân (ở phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Trước diễn biến số ca mắc sởi gia tăng, ngay khi biết Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm cho trẻ, tôi tranh thủ đưa con đi tiêm để phòng bệnh. Nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng tiếp đón, hướng dẫn người dân nhiệt tình, chu đáo, thăm khám cho trẻ đầy đủ trước khi tiêm khiến tôi yên tâm”.
Để chiến dịch tiêm chủng sởi bảo đảm an toàn, hiệu quả, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng Nguyễn Anh Quang cho biết, các trạm y tế phối hợp với cộng tác viên, ban, ngành, đoàn thể tại các phường điều tra lập danh sách những trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, đặc biệt tránh bỏ sót trẻ ở các trung tâm bảo trợ xã hội, trại trẻ mồ côi, trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật đóng trên địa bàn... Đồng thời, thông qua mạng lưới cộng tác viên y tế, tổ dân phố gửi giấy mời đến từng hộ gia đình. Trong giấy mời đã ghi cụ thể ngày, giờ, địa điểm tiêm. Qua rà soát, trên địa bàn quận dự kiến có gần 1.000 trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi.
Tương tự, tại Trạm Y tế xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), ngay buổi đầu tiên triển khai chiến dịch đã có nhiều gia đình đưa trẻ đến tiêm vắc xin phòng sởi. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cổ Đông Nguyễn Kiều Hương thông tin: “Qua rà soát, chúng tôi đã lập được danh sách 70 trẻ trên địa bàn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi được tiêm chủng trong chiến dịch đợt này. Tuy nhiên, có 9 trẻ đang ốm nên sẽ hoãn tiêm đợt này và sẽ có kế hoạch tiêm bù vào các buổi tiêm chủng thường xuyên hằng tháng”.
Trực tiếp kiểm tra các điểm tiêm đầu tiên triển khai chiến dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đánh giá, các điểm tiêm đã bảo đảm bố trí theo nguyên tắc một chiều, đồng thời đáp ứng đủ thiết bị, vật tư, cơ số thuốc chống sốc, có bảng phân công cụ thể nhiệm vụ của từng thành viên trong tổ cấp cứu thường trực trong những ngày triển khai tiêm chủng, sẵn sàng đáp ứng xử trí, cấp cứu kịp thời nếu xảy ra trường hợp phản ứng sau tiêm... Bên cạnh đó, chiến dịch cũng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi tiêm chủng.
Số ca mắc sởi tăng cao, nên tiêm phòng đầy đủ
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 2 tuần sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, thành phố ghi nhận 114 trường hợp mắc sởi/tuần. CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi vẫn ở mức cao, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, thành phố sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, bất kỳ trẻ nhỏ nào chưa có miễn dịch mà tiếp xúc với nguồn bệnh đều có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Điều đáng nói, qua thống kê, trên địa bàn Thủ đô, nhóm tuổi dưới 9 tháng bị mắc sởi chiếm trên 20%. Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin phòng bệnh sởi theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Do đó, nhằm tăng miễn dịch, góp phần quan trọng ngăn chặn dịch bệnh sởi, từ ngày 17-2 đến 28-2, toàn thành phố triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, phấn đấu đạt 95%. Dự kiến, khoảng 20.000 trẻ trong độ tuổi này sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vắc xin sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp tăng cường chống dịch. Mũi vắc xin này được xem như là mũi “sởi 0”. Sau đó, trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. “Người dân nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, vệ sinh môi trường bề mặt, nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng…”, ông Khổng Minh Tuấn khuyến cáo.
Hiện tại, dù bệnh sởi có thể bị kiểm soát thông qua tiêm phòng nhưng nếu chủ quan, người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ có thể gánh hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, chính người dân cần chú ý đến việc tiêm phòng sởi để không xảy ra hậu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.