Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp bách “số hóa” giao thông

Tuấn Khải| 01/09/2017 07:23

(HNM) - Thiết lập hệ thống bản đồ giao thông số đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đồng thời cung cấp cho người tham gia giao thông những thông tin hữu ích.

Điểm đỗ xe thông minh hỗ trợ người sử dụng qua điện thoại trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Anh Tuấn


Ứng dụng còn hạn chế

Những năm gần đây, một số đơn vị thuộc Bộ GT-VT đã phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp phần mềm xây dựng hệ thống bản đồ số nhằm nâng cao hiệu quả cho công tác quản lý. Tuy nhiên, đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, kết quả từ các ứng dụng này còn hạn chế.

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ năm 2013, đơn vị phối hợp với một nhà cung cấp trong nước thí điểm xây dựng được hệ thống kết nối, giám sát hành trình đối với 650.000 xe ô tô kinh doanh vận tải, biển báo giao thông ở 20.000km quốc lộ, tích hợp với các trạm kiểm tra tải trọng xe trên toàn quốc; thử nghiệm kiểm soát tốc độ đối với gần 300 xe kinh doanh vận tải dựa trên biển báo và hành trình tuyến Lạng
Sơn - Thanh Hóa, Hà Nội - Hải Phòng... Tuy nhiên, bản đồ số mà Tổng cục đang sử dụng gồm 2 hệ thống, do hai nhà cung cấp khác nhau triển khai nên vẫn chưa có sự thống nhất.

Từ năm 2015, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng đã chủ động xây dựng bản đồ số, nhưng do không có kinh phí nên phải tận dụng xây dựng bản đồ số trên nền bản đồ miễn phí của Googlemaps để đưa các thông tin về báo hiệu, cảng bến, trạm quản lý đường thủy trên tuyến đường thủy quốc gia lên bản đồ. Và hạn chế của bản đồ này là không trích xuất được thông tin và chưa khai thác được thông tin...

Theo ông Phạm Duy Ninh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GT-VT), hiện nay nhu cầu ứng dụng bản đồ số trong ngành GT-VT rất lớn, nhưng do chưa có bản đồ số thống nhất toàn ngành nên các đơn vị của Bộ GT-VT sử dụng bản đồ, ứng dụng phần mềm từ các nguồn khác nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thông tin. Lãnh đạo Bộ GT-VT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương thiết lập hệ thống bản đồ giao thông số, bao gồm cả 5 lĩnh vực GT-VT để phục vụ quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Chủ trương của Bộ GT-VT là sẽ triển khai theo hướng Nhà nước đầu tư kết hợp xã hội hóa. Việc đẩy mạnh giao thông thông minh sẽ giúp các cơ quan quản lý ngành Giao thông sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có, hỗ trợ quá trình ra quyết định và giải quyết các "bài toán" quản lý theo thời gian thực.

Hà Nội khẩn trương “số hóa” giao thông

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc chủ động nghiên cứu xây dựng hệ thống bản đồ số giao thông, với mục tiêu có thể đưa một phần vào khai thác trong năm 2017 thông qua việc phối hợp với Tập đoàn FPT.

Theo đề xuất của FPT, Tập đoàn này sẽ xây dựng hệ thống giao thông thông minh cho Thủ đô Hà Nội gồm các hệ thống: Dẫn đường, thu phí điện tử, trợ giúp lái xe an toàn, tối ưu hóa tổ chức và quản lý giao thông, tăng cường hiệu quả quản lý đường, trợ giúp cho giao thông công cộng. Cụ thể, sẽ hình thành các trung tâm quản lý và điều hành giao thông hiện đại, đồng bộ và tiên tiến gồm các trung tâm: Quản lý và điều hành giao thông công cộng, quản lý hệ thống đường cao tốc và các trục chính đô thị, quản lý và điều hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông…

Một số hệ thống thành phần sẽ được triển khai ngay trong giai đoạn 2017-2020 như hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh, hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông vào một số khu vực nội đô theo hình thức tự động không dừng sử dụng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến; hệ thống phần mềm chỉ huy, điều hành giao thông thông minh... Hình thức thực hiện theo hướng thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Theo đó, FPT sẽ chịu trách nhiệm mọi khâu từ đầu tư hệ thống, bảo đảm vận hành, bảo trì, bảo dưỡng và Hà Nội thanh toán kinh phí cho việc thuê sử dụng dịch vụ.

Các hạng mục được đề xuất triển khai ngay trong năm 2017 gồm: Thiết lập hạ tầng số như cung cấp kết nối, truyền dẫn dữ liệu; hệ thống thông tin giao thông phục vụ người tham gia giao thông và cơ quan quản lý nhà nước; hệ thống quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm nâng cao chất lượng vận tải khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân; hệ thống giám sát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Với hệ thống bản đồ giao thông Hà Nội này, người dân, doanh nghiệp và du khách sẽ được cung cấp công cụ tìm đường, phân luồng giao thông cho các tuyến phố; cung cấp thông tin tình trạng giao thông theo thời gian thực, tình trạng cũng như cảnh báo lưu lượng giao thông, tiếp nhận cảnh báo và hiển thị cảnh báo khi có sự cố tại các nút giao… Thông qua đó, người dân sẽ có được các thông tin cần thiết khi di chuyển, tin về lộ trình, tránh các điểm tắc nghẽn, hoặc sự cố hạ tầng giao thông; cơ quan quản lý nhà nước nắm được tình trạng giao thông của thành phố theo thời gian thực để điều phối hoạt động này…

Được biết, TP Hà Nội đã khẳng định rõ quyết tâm sẽ xây dựng một thành phố thông minh, trong đó bắt đầu bằng giao thông thông minh. Đây thực sự là điều mong đợi để giải quyết “bài toán” giao thông đô thị của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cấp bách “số hóa” giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.