(HNM) - Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 xác định: Nga là một trong những thị trường khách du lịch trọng điểm.
Năm 2013, có tới 298.123 lượt du khách Nga đã đến thăm Việt Nam, tăng 71,1% so với cùng kỳ năm trước và là năm thứ hai liên tiếp chiếm vị trí hàng đầu về tốc độ tăng trưởng khách đến Việt Nam. Thế nhưng việc thiếu các hướng dẫn viên (HDV) nói tiếng Nga - những người được coi là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam với Nga - đang là vấn đề cản trở sự gia tăng của khách Nga đến Việt Nam.
Khan hiếm hướng dẫn viên tiếng Nga
Tính đến tháng 4 - 2014, cả nước có 14.068 HDV được cấp thẻ, trong đó có 7.898 HDV du lịch quốc tế. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó sử dụng ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung. Đối với tiếng Nga, cả nước hiện có 430 người đã được cấp thẻ, hoạt động chủ yếu tại Thủ đô Hà Nội (122 người), TP Hồ Chí Minh (112 người), Khánh Hòa (76 người), Đà Nẵng (42 người), Bình Thuận (17 người). Như vậy, so với số lượng trên 298 nghìn lượt du khách thì con số 430 HDV tiếng Nga quả là ít ỏi. Thực tế cho thấy, hầu hết du khách Nga khi đến Việt Nam thường dành trọn kỳ nghỉ của mình tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp, những nơi có tiềm năng du lịch biển hấp dẫn như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đà Nẵng… Tuy nhiên, số lượng HDV có khả năng đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ tại các địa phương này lại rất hạn chế. Đơn cử như Khánh Hòa năm 2013 đã đón 150.000 lượt khách, dự kiến năm 2014, sẽ thu hút 180.000 lượt khách nhưng lại chỉ có 76 HDV du lịch tiếng Nga được cấp thẻ. Hay như tỉnh Bình Thuận - nơi có bãi biển Mũi Né vô cùng hấp dẫn đối với du khách Nga - cũng chỉ có 17 HDV tiếng Nga.
Du khách nước Nga thăm Việt Nam. Ảnh: Mai Thảo |
Thực tế trên dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp lữ hành sử dụng HDV "chui" để hành nghề, tức là chỉ cần tuyển người biết tiếng Nga, sau đó đào tạo thêm về nghiệp vụ, kỹ năng hướng dẫn... Họ có thể là những người đã từng đi lao động xuất khẩu hoặc học tập ở Nga, có khả năng giao tiếp với người Nga nhưng lại không được cấp thẻ hành nghề HDV du lịch. Các hành vi trên vi phạm Luật Du lịch Việt Nam nhưng cũng chỉ giải quyết được phần nổi của vấn đề, đó là đáp ứng được ngoại ngữ mà không đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề… dẫn đến chất lượng HDV thấp.
Sự thiếu hụt này còn khiến các công ty du lịch Nga sử dụng trực tiếp HDV người Nga dẫn đoàn mà không cần đến HDV Việt Nam. Việc thiếu HDV tiếng Nga chuyên nghiệp vừa gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp du lịch vừa không kiểm soát được chất lượng dịch vụ du lịch cũng như tính chính xác của thông tin về điểm đến, đất nước, con người Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của du lịch.
Cải thiện theo hướng nào?
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam, để giải quyết vấn đề thiếu HDV tiếng Nga, trước mắt cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành và HDV du lịch; xử phạt nghiêm minh những đơn vị, cá nhân vi phạm quy định của Luật Du lịch, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế. Về lâu dài, các địa phương, đặc biệt là những nơi đang có nguồn khách Nga dồi dào cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cũng như định hướng đào tạo tiếng Nga cho HDV trên địa bàn để đón dòng khách này trong thời gian tới.
Đề án "Đẩy mạnh thu hút khách du lịch Nga đến Việt Nam giai đoạn 2012-2015" được Bộ VH-TT&DL phê duyệt ngày 19-6-2012 đề ra mục tiêu đến năm 2015 Việt Nam sẽ đón 350.000 lượt du khách Nga. Để đạt được mục tiêu này thì việc tăng cường đội ngũ HDV tiếng Nga cả về chất lượng và số lượng cần được đẩy mạnh hơn nữa, dù muộn vẫn còn hơn không.
Được biết, sắp tới, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức một số khóa đào tạo tiếng Nga cho cán bộ, người lao động du lịch tại một số địa phương trọng điểm đối với thị trường khách Nga. Theo đó, cán bộ và người lao động du lịch sẽ được đào tạo ngoại ngữ theo các trình độ khác nhau. Với những người chưa từng được đào tạo về tiếng Nga, khi kết thúc khóa học, có thể giao tiếp cơ bản với khách du lịch Nga. Với đội ngũ HDV và thuyết minh viên đã được cấp thẻ hành nghề sẽ được đào tạo chuyên sâu hơn về ngoại ngữ, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Như vậy, đây sẽ là dịp tốt để các địa phương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ HDV tiếng Nga của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.