Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp bách “cuộc chiến” chống ùn tắc giao thông

Tuấn Lương| 23/04/2016 07:12

(HNM) - Tiếp tục

Tiếp tục "cuộc chiến" với ùn tắc, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép UBND TP Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai khẩn cấp 8 công trình giao thông. Đại diện Sở GT-VT Hà Nội cho biết, nhiều công trình trong số đó sẽ được khởi công và cơ bản hoàn thành ngay trong năm 2016.

Hầm chui tại nút giao thông Đại lộ Thăng Long - Vành đai 3. Ảnh: Anh Tuấn


Thêm hầm chui, cầu vượt, bớt "điểm đen" ùn tắc

Nếu như vào giai đoạn cuối năm 2015, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn tới 46 "điểm đen" UTGT (đã giảm so với con số 124 "điểm đen" vào thời điểm năm 2011) thì hết quý I-2016, có thêm 10/46 "điểm đen" được giải quyết. Trong đó có những vị trí từng là nỗi ám ảnh nhiều năm đối với người dân Thủ đô như khu vực nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, nút giao Trần Duy Hưng - Phạm Hùng, nút giao Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh - Ngô Gia Tự, tuyến đường Kim Mã - Trần Phú… Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội, cùng với việc tổ chức lại giao thông, hạn chế xe tải, taxi lưu thông trong giờ cao điểm, điều chỉnh lộ trình xe buýt, xe khách liên tỉnh... thì việc hoàn thành các công trình giao thông có ý nghĩa rất quan trọng.

Ấn tượng rõ rệt nhất phải kể tới nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến. Trước đây, do xung đột giao thông, lại thêm rào chắn phục vụ thi công đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, lòng đường bị thu hẹp nên nơi đây luôn xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Cách đó không xa, nút giao thông Trung Hòa cũng trong cảnh tương tự, kể cả ngoài giờ cao điểm. Hằng ngày, hàng chục chiến sĩ CSGT, Thanh tra giao thông phải vất vả phân luồng, hướng dẫn giao thông, nhưng UTGT vẫn xảy ra. Tuy nhiên, từ dịp tết Nguyên đán 2016, khi các dự án hầm chui hoàn thành, giao thông trên các trục, điểm nút này đã thông thoáng hơn rất nhiều, được nhân dân Thủ đô đánh giá cao. Ông Đàm Quang Long, Tổ 3, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm nhận xét, sau khi hầm chui Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến được đưa vào sử dụng, phương tiện lưu thông thuận tiện, không còn cảnh nối đuôi nhau nhích từng mét như hồi cuối năm 2015.

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường, sự phối hợp chặt chẽ của TP Hà Nội trong bảo đảm trật tự ATGT đã giúp các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu của Bộ GT-VT sớm hoàn thành hai dự án hầm chui Thanh Xuân và Trung Hòa, cũng như đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, góp phần giải tỏa bức xúc của nhân dân. Trước đó, rất nhiều cầu vượt nhẹ bằng kết cấu thép đã được thành phố xây dựng, góp phần xóa nhiều điểm đen ùn tắc, như nút Chùa Bộc - Thái Hà, Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, Bạch Mai - Trần Khát Chân...

Áp dụng cơ chế đặc thù cho các dự án giao thông cấp bách

Mặc dù UTGT có giảm, song trên địa bàn thành phố vẫn còn tới 36 "điểm đen" khác cần sớm được giải quyết như tuyến đường Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, nút giao thông Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái... "Được biết, thành phố có chủ trương cải tạo nút Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, đầu tư xây dựng cả cầu vượt. Dự án sớm triển khai ngày nào, người dân đỡ khổ vì ách tắc ngày đó" - bà Lê Thục Khuê, nhà A2 tập thể Khương Thượng đề nghị.

Tiếp tục mục tiêu đẩy lùi UTGT, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho phép UBND TP Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng 8 công trình giao thông cấp bách giảm UTGT trên địa bàn. Theo đó, Hà Nội triển khai 8 dự án theo lệnh khẩn cấp, cấp bách và áp dụng hình thức giao thầu. Từ chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội đã giao Sở GT-VT Hà Nội khẩn trương hoàn thành các thủ tục để triển khai ngay các dự án. Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội, một số công trình trong danh mục 8 dự án đã xác định vị trí gồm: cải tạo mở rộng và làm cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, cầu vượt Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái (giao giữa đường Vành đai 1 với phố Lò Đúc, đường Kim Ngưu), cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên, cầu vượt nút giao Trần Hưng Đạo - Lương Yên, nút giao Cổ Linh (giao giữa đường Cổ Linh và đường dẫn đầu cầu phía Bắc cầu Vĩnh Tuy). "Các dự án nói trên sẽ khởi công và cơ bản hoàn thành ngay trong năm 2016 nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc" - ông Tuấn cho biết.

Cùng với các dự án trên, Hà Nội đang nghiên cứu làm hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3. Một công trình trọng điểm khác theo kế hoạch cũng sẽ được khởi công ngay trong năm 2016 là Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long) nhằm bảo đảm đồng bộ với việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long của Bộ GT-VT. Cũng theo ông Tuấn, thành phố đã chuẩn bị đủ nguồn vốn ngân sách để triển khai. Sở GT-VT Hà Nội đang khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, lập dự án, xác định rõ quy mô, tổng vốn đầu tư để triển khai ngay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cấp bách “cuộc chiến” chống ùn tắc giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.