1. Mùa trước, CLB Bình Định ngậm đắng nuốt cay vì chỉ đứng thứ ba ở giải hạng nhất. Lẽ ra họ đã cán đích ở vị trí thứ nhì nếu Quảng Ngãi không bị BTC giải tước quyền dự giải ở những vòng cuối đồng nghĩa thành tích của đội bóng này với các đội khác bị hủy bỏ. Bình Định đã giành 6 điểm trong 2 trận đấu với Quảng Ngãi và đành nhìn 6 điểm trôi khỏi tầm tay.
1. Mùa trước, CLB Bình Định ngậm đắng nuốt cay vì chỉ đứng thứ ba ở giải hạng nhất. Lẽ ra họ đã cán đích ở vị trí thứ nhì nếu Quảng Ngãi không bị BTC giải tước quyền dự giải ở những vòng cuối đồng nghĩa thành tích của đội bóng này với các đội khác bị hủy bỏ. Bình Định đã giành 6 điểm trong 2 trận đấu với Quảng Ngãi và đành nhìn 6 điểm trôi khỏi tầm tay. Đến lúc ấy, người Bình Định thất vọng ra mặt, trách cứ BTC thì nhận được lời giải thích rằng chính Bình Định đã thống nhất với điều lệ giải từ đầu mùa nên phải chấp nhận cuộc chơi - một cuộc chơi nghiệt ngã khi một đội này lại "chết" không trên sân đấu mà vì một hành động bỏ cuộc của một đội khác (thực tế Quảng Ngãi lúc đó cũng không ngán án phạt đánh tụt hạng của BTC giải vì đằng nào đội bóng này cũng bị xuống hạng do thành tích quá yếu kém). Ở vị trí thứ ba Bình Định phải đá trận tranh vé vớt trong tức tưởi và bị thua đội xếp hạng 12 giải chuyên nghiệp Nam Định. Giấc mơ trở lại hạng chuyên nghiệp của bóng đá Bình Định đành phải nối thêm một năm nữa.
2. Mùa này, khi giải đã kết thúc thì đến một vị trí đá trận tranh vé vớt với bóng đá Bình Định cũng trở nên “xa xỉ” dù đội này xếp thứ ba ở giải hạng nhất. Đấy là thành tích dựa trên kết quả trên sân đấu chứ không phải do bị trừ điểm vì một đội khác bị đánh tụt hạng như năm trước. Nhưng nguy cơ không được dự trận tranh vé vớt vẫn treo lơ lửng dù điều lệ giải quy định giải hạng nhất có 2 suất lên chuyên nghiệp và 1 suất đá trận tranh vé vớt. Đơn giản thông báo số 19 của BTC giải đã đưa ra 9 trường hợp liên quan đến việc lên xuống hạng (nếu đưa ra từ đầu mùa giải chưa chắc đã được các đội chấp nhận). Mà việc này lại phụ thuộc vào quá trình chuyên nghiệp hóa của các đội chuyên nghiệp và hạng nhất. Nếu các đội ở giải chuyên nghiệp được quy định là phải chuyển thành công ty cổ phần trước 17h00 ngày 31-8 thì các đội hạng nhất lại được nới lên 2014. Tưởng quy định này giúp cho các đội hạng nhất, hóa ra lại mở đường sống cho các đội chuyên nghiệp và đóng sập cửa lên hạng trước các đội hạng nhất. Trong thông báo 19 có đề cập đến trường hợp nếu giải hạng nhất chỉ có dưới 9 đội hoàn thành việc cổ phần hóa thì chỉ có 1 đội lên hạng trực tiếp (thay vì 2 đội), 1 đội thứ nhì tranh vé vớt. Trong khi đó, đội thứ 13 (lẽ ra xuống hạng) ở giải chuyên nghiệp lại được quyền tranh vé vớt, còn đội thứ 12 (lẽ ra phải đá trận tranh vé vớt) lại được trụ hạng. Nếu xảy ra trường hợp này, Than Quảng Ninh (thứ nhì giải hạng nhất 2010) cũng chưa chắc lên hạng chuyên nghiệp vì đụng phải Navibank Sài Gòn mạnh hơn hẳn, còn Bình Định lại ngậm ngùi thi đấu ở giải hạng nhất dù đã nhận được sự đầu tư lớn từ ngân sách tỉnh và các doanh nghiệp. Lần này họ sẽ lại "chết" vì những đội hạng nhất khác, không buồn cổ phần hóa trước ngày 31-8 vì đều không thuộc top 3.
3. Thời hạn cổ phần hóa các đội bóng ở giải chuyên nghiệp lẫn hạng nhất không giống nhau đã dẫn đến tình cảnh trên. Thậm chí Nam Định ở giải chuyên nghiệp đã chắc suất xuống hạng cũng không vội vã biến đội bóng thành doanh nghiệp, khiến hy vọng tiếp quản đội bóng này của Tập đoàn Megastar cũng tan thành mây khói. Sẽ là lý tưởng nếu BTC giải quy định, các đội thuộc diện lên hạng và đá trận tranh vé vớt ở giải hạng nhất hoàn thành cổ phần hóa trước ngày 31-8-2010. Như vậy, cuộc chơi trở nên công bằng hơn. Chứ cứ như bây giờ, đội đáng hưởng thành quả lại thắc thỏm chờ ngày 31-8-2010 để biết mình có đáng được hưởng không hay bị "chết oan". Bóng đá Việt Nam chưa bao giờ lâm vào tình cảnh này. Và đúng là chỉ có bóng đá Việt Nam mới có cảnh trớ trêu này!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.