Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Cánh tay nối dài'' trong công tác tri ân liệt sĩ

Mai Hoa| 08/02/2023 07:17

(HNM) - “Để thực sự là “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước trong công tác tri ân liệt sĩ, là địa chỉ tin cậy của các gia đình liệt sĩ, chúng tôi xác định từng người phải đề cao tinh thần trách nhiệm, làm việc với ý thức, nhiệt tình cao nhất” - Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trao nhà tình nghĩa tặng gia đình liệt sĩ tại huyện Sóc Sơn.

- Xin ông điểm lại một số hoạt động đáng chú ý của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thời gian qua?

- Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, Hội đã thực hiện tốt công tác tri ân liệt sĩ, huy động sự vào cuộc của các doanh nhân, doanh nghiệp trong công tác tri ân một cách hiệu quả. Trong năm 2022, chúng tôi đã tổ chức, tham gia nhiều đoàn thăm và tặng quà các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tham gia tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ. Hội và các tổ chức hội trong cả nước đã tiếp và tư vấn 4.271 lượt thân nhân liệt sĩ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, thông báo danh sách 3.027 liệt sĩ; khớp nối thông tin xác định đúng danh tính 70 liệt sĩ, nhận 1.103 hồ sơ tìm mộ liệt sĩ, đã giải quyết 63 hồ sơ. Giám định ADN 33 hài cốt, giám định xong 18, xác định đúng danh tính 15 liệt sĩ.

Chúng tôi cũng đã hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê đối với 114 liệt sĩ; tặng 99 nhà tình nghĩa, 321 sổ tiết kiệm, 10.064 suất quà và 188 suất học bổng. Khám bệnh cấp thuốc cho 1.720 trường hợp diện chính sách, phụng dưỡng 8 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tham gia xây 2 nhà thờ liệt sĩ. Ngoài ra, thực hiện công tác từ thiện với số lượng 1,7 tấn gạo, 514kg thực phẩm, 2.200 sách vở, 220 bộ quần áo, 49 chăn đắp, 15 xe đạp, 6 xe lăn...

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ các cấp đã vận động được hơn 14 tỷ đồng cho hoạt động tri ân liệt sĩ. Đáng chú ý, Hội đã thiết lập được mối quan hệ với Viện Hòa bình Hoa Kỳ trong công tác tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ sau chiến tranh ở Việt Nam.

- Để tiếp tục làm tốt công tác hỗ trợ gia đình liệt sĩ, Hội sẽ thực hiện các nhiệm vụ gì trong thời gian tới, thưa ông?

- Trong thời gian tới, Hội tiếp tục làm tốt công tác tri ân liệt sĩ, tổ chức giám định ADN, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở các chiến trường, hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ ở các nghĩa trang về với đất mẹ. Tăng cường thu thập, khớp nối, đính chính thông tin trên bia mộ để xác định danh tính liệt sĩ; đẩy mạnh công tác vận động tài trợ, tạo nguồn lực cho công tác tri ân liệt sĩ. Nhằm tham gia, góp sức để tiếp tục thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Thủ tướng Chính phủ, Hội chủ động thu thập, kết nối hỗ trợ thông tin tới các gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ; chú trọng xác định danh tính liệt sĩ trên bia mộ chưa đủ thông tin của các địa phương. Hỗ trợ các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn muốn di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê hương; đồng thời, tích cực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở các chiến trường, phấn đấu giám định được từ 100 đến 150 mẫu phẩm ADN…

- Vậy, chỉ tiêu cụ thể về hoạt động tri ân liệt sĩ là như thế nào, thưa ông?

- Hội tập trung thực hiện tốt công tác vận động tài trợ tạo nguồn kinh phí tri ân các gia đình liệt sĩ với chỉ tiêu của toàn mạng lưới hội rất cụ thể, bao gồm: Tặng 100 nhà tình nghĩa (mỗi nhà trị giá từ 60 đến 80 triệu đồng); sửa chữa, nâng cấp 50 nhà (mỗi nhà 20-30 triệu đồng); tặng 500 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 3-5 triệu đồng); 500 suất học bổng và 10.000 suất quà (mỗi suất từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng). Phấn đấu toàn mạng lưới đạt trị giá 12-15 tỷ đồng trong công tác vận động tài trợ cho hoạt động tri ân liệt sĩ.

- Hội sẽ thực hiện những giải pháp nào để hoàn thành chỉ tiêu, thưa ông?

Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, Hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, giữ mối quan hệ chặt chẽ với bộ, các sở, phòng lao động - thương binh và xã hội trong việc thực hiện công tác người có công.

Hiện tại, Hội và các tổ chức Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ địa phương đang thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án của Thủ tướng Chính phủ về tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Vì vậy, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cho các cấp Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tham gia Ban Chỉ đạo ở các cấp. Cùng với đó, đề nghị cho thu thập mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ đưa vào ngân hàng gen, nếu không làm nhanh thì thân nhân gia đình liệt sĩ sẽ mất dần. Công việc này cũng cần tiến hành xã hội hóa theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm để bảo đảm hiệu quả.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Cánh tay nối dài'' trong công tác tri ân liệt sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.