Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh sát Mỹ bắn chết người: Yếu tố chủng tộc đằng sau những con số

Vân An| 13/07/2016 15:43

(HNMO) - Ngày 12/7, phát biểu tại lễ tưởng niệm 5 sĩ quan cảnh sát bị bắn chết tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng,

Trong bài phát biểu của mình, ông Obama cũng nhấn mạnh, sự phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại ở Mỹ và không thể bác bỏ, những người biểu tình chống lại bạo lực của cảnh sát là "những kẻ gây rối hay hoang tưởng".

Vị tổng thống Mỹ cũng kêu gọi người dân hành động để ngăn chặn các cuộc xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình; giữa người da đen và người da trắng. Ông thừa nhận, những cách tiếp cận trước đây, kể cả của ông, đang thất bại.

Lời phát biểu của ông Obama gợi lên nhiều điều để suy ngẫm. Nước Mỹ đã trải qua một tuần mà chính người Mỹ tự đánh giá là vô cùng đen tối trong lịch sử của các lực lượng hành pháp nước này. Sau 2 vụ cảnh sát giết người da đen là những cuộc biểu tình kéo dài hàng tuần, đỉnh cao là vụ bắn tỉa 12 sĩ quan cảnh sát ngay trong một cuộc biểu tình ở thành phố Dallas. 5 sĩ quan thiệt mạng, 7 người khác bị thương. Đó có lẽ là một cú sốc tinh thần không nhỏ với người Mỹ.

Từ đầu năm đến nay đã có 127 người da đen bị cảnh sát giết



Sau khi những sự việc này xảy ra, nhiều quan chức Mỹ và nhiều người dân Mỹ cho rằng, nguyên nhân của những vụ cảnh sát bắn người chính là bắt nguồn từ vấn đề chủng tộc. Đã có quan chức nêu vấn đề: Đổi lại nếu những người da đen bị cảnh sát giết chết kia là người da trắng, họ có lẽ vẫn sống.

Hôm qua, Carl Dabadie, cảnh sát trưởng vùng Baton Rouge (thành phố Louisiana), nơi xảy ra vụ cảnh sát bắn chết người da đen khơi mào cho các cuộc biểu tình tuần trước, khi trả lời báo giới đã nói rằng, "một mối đe dọa đáng tin cậy" là lý do tại sao các cán bộ pháp luật đã nhanh chóng hành động hung dữ khi họ tin rằng người họ đang đối mặt có động thái chống cự.

"Những gì bạn nhìn thấy từ phản ứng (của lực lượng thực thi pháp luật) là bởi vì có một mối đe dọa rất thực tế và có thể nhìn thấy được đối với lực lượng thực thi pháp luật. Hãy nhìn những gì đã xảy ra tại Dallas. Một cuộc biểu tình rất ôn hòa và sau đó là một số kẻ điên khùng", Sid Gautreaux, cảnh sát trưởng vùng Đông Baton Rouge nói.

Theo thống kê của tờ Washington Post, kể từ đầu năm 2016 đến ngày hôm nay, 13/7, đã có 518 công dân Mỹ bị cảnh sát giết chết. Năm ngoái, con số này là 990 người.

Tương tự như năm ngoái, từ đầu năm đến nay, hầu hết những người bị cảnh sát giết là nam giới và da trắng, chỉ có 127 người là da đen. Năm ngoái, con số này là 494 người da trắng và 258 người da đen.

Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích những dữ liệu này, có lẽ chúng ta sẽ có một góc nhìn khác toàn diện hơn.

1. Cảnh sát đã giết chết gần gấp đôi số người da trắng so với người da đen trong năm 2015. Theo số liệu của The Washington Post, 50% nạn nhân tử vong trong các vụ nổ súng của cảnh sát là người da trắng, người da đen chiếm 26%. Đa số nạn nhân có súng hoặc được vũ trang hoặc đe dọa lực lượng thực thi pháp luật rằng họ có khả năng gây chết người.

Một số có thể lập luận rằng, những thống kê này là bằng chứng phân biệt chủng tộc đối với người da đen, bởi người da trắng chiếm tới 62% dân số, trong khi người da đen chỉ chiếm 13%. Nhưng tờ The Wall Street Journal trích dữ liệu thống kê năm 2009 từ Cục Thống kê tư pháp Mỹ cho thấy, người da đen bị buộc tội 62% về các vụ cướp, 57% về các vụ giết người và 45% về các vụ tấn công tại 75 hạt lớn nhất nước Mỹ, mặc dù người da đen ở các hạt này chỉ chiếm 15% dân số.

Sự tập trung tội phạm bạo lực ở các cộng đồng thiểu số như vậy đồng nghĩa với việc các viên chức thực thi pháp luật đối đầu bất tương xứng với những nghi phạm có vũ trang và thường xuyên kháng cự, làm tăng nguy cơ họ sử dụng vũ lực gây chết người. Việc lực lượng thực thi pháp luật sử dụng bạo lực sẽ xảy ra ở những nơi cảnh sát tương tác thường xuyên nhất với những tên tội phạm bạo lực, các nghi phạm có vũ trang và những người chống đối việc bị bắt giữ, và đó thường là tại các khu phố của người da đen.

Tổng thống Obama phát biểu tại lễ tưởng niệm 5 cảnh sát bị bắn chết


2. Nhiều người da trắng và người Hispanic (người gốc Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha) chết trong các vụ cảnh sát giết người hơn là người da đen. Thống kê cho thấy, 12% cái chết của người da trắng và người Hispanic là do nhân viên cảnh sát, trong khi số nạn nhân là người da đen tử vong do cảnh sát chỉ chiếm 4%.


3. Dữ liệu của tờ Post không cho thấy rõ nam giới da đen không vũ khí có nhiều khả năng bị cảnh sát bắn chết hơn là nam giới da trắng không vũ khí, nhưng thống kê tại thời điểm tháng 8/2015, tỷ lệ này là: cứ 7 người da đen mới có 1 người da trắng không vũ khí bị chết vì súng đạn của cảnh sát; tỷ lệ này còn 6-1 vào cuối năm 2015.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nạn nhân không vũ khí được báo cáo là đã cố gắng đoạt súng của lực lượng chức năng hoặc đánh cảnh sát bằng dụng cụ của riêng mình, hoặc tấn công cảnh sát và cảnh sát đã nổ súng vì cảm thấy mạng sống bị đe dọa. Ở một số trường hợp khác, các vụ cảnh sát bắn chết người da đen xảy ra ngoài ý muốn, khi cảnh sát truy đuổi tội phạm và bắn trượt.

4. Các sĩ quan cảnh sát da đen và Hispanic thường nổ súng nhắm vào người da đen nhiều hơn các sĩ quan da trắng. Một nghiên cứu do Đại học Pennsylvania thực hiện năm 2015 cho biết, cảnh sát da đen có khả năng nổ súng nhiều gấp 3,3 lần cảnh sát các màu da khác tại một hiện trường vụ án.

5. Người da đen có xu hướng giết cảnh sát nhiều hơn là bị cảnh sát giết. Theo số liệu của FBI, 40% những kẻ giết cảnh sát là người da đen. Khả năng nhân viên cảnh sát bị giết chết bởi một người da đen cao gấp 18,5 lần so với khả năng một cảnh sát giết chết một người da đen không vũ khí.

Một thực tế nữa, phong trào phản đối cảnh sát giết người da đen cũng là một trong những nguyên nhân làm các vụ giết người tăng 17% tại 50 thành phố lớn nhất nước Mỹ do cảnh sát ngại bị gắn mác là phân biệt chủng tộc. Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 2 lần cảnh sát là nạn nhân trong các vụ nổ súng chết người.

Trở lại với bài phát biểu của Tổng thống Obama tại lễ tưởng niệm, ông nói rằng, vụ Dallas cho thấy hai đường khiếm khuyết trong xã hội Mỹ: bạo lực súng và sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa cảnh sát với những người mà họ có nhiệm vụ bảo vệ, đặc biệt là người Mỹ gốc Phi. Những vấn đề này, cùng với tệ nạn ma túy và bệnh tâm thần, đã vượt quá khả năng của cảnh sát. Nhưng điều nguy hại, theo ông, không phải là những người có quan điểm trái chiều hay đối kháng, mà chính là quán tính, thói quen cũ và động cơ cá nhân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh sát Mỹ bắn chết người: Yếu tố chủng tộc đằng sau những con số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.