Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh sát hình sự bày cách chống trộm công sở ngày giáp Tết

Theo Zing| 04/02/2016 14:52

Trộm đột nhập công sở thường chọn gây án vào ban đêm, những hôm mưa gió, trời lạnh. Chúng nhắm đến các phòng làm việc có cửa ra vào lắp ô kính, không song sắt để đập phá.


Trộm đột nhập công sở thường đi thành từng cặp và phân công nhau cảnh giới. Kẻ gian có thể cấu kết với một số tên tội phạm địa phương, hoặc giả làm người dân vào các cơ quan, công sở để quan sát, nắm quy luật hoạt động của bảo vệ, nhận biết những nơi để nhiều tài sản… để chuẩn bị đồ nghề trước khi gây án.

Nhiều công sở bị trộm đột nhập giáp Tết

Trưa 18/1, Công an quận Long Biên (Hà Nội) nhận đơn của bác sĩ Đào Văn Minh - Trưởng phòng hành chính, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trình báo, sáng cùng ngày, khi đến cơ quan làm việc, ông phát hiện chiếc két sắt trong phòng không còn. Đại diện cơ sở y tế tường trình trong két có 260 triệu đồng, 3.000 USD và nhiều giấy tờ.

Dựa vào dấu vết để lại hiện trường, cảnh sát nhận định nhóm gây án có ít nhất 2 người, am hiểu địa bàn, nắm rõ nơi cất tiền của bệnh viện bởi chúng chỉ phá khóa một phòng, tại khu vực không có bác sĩ trực đêm.

Đoàn và Giang tại cơ quan công an. Ảnh: Hoàng Lam.


Cùng cơ sở y tế rà soát những trường hợp nghi vấn, cơ quan công an thấy nổi lên Phạm Trường Giang (23 tuổi, ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm - nhân viên phòng kỹ thuật bệnh viện). Giang có quan hệ xã hội phức tạp, bản thân đang nợ nhiều tiền.

Bí mật dựng lại hành tung của Giang vào thời điểm vụ án xảy ra, cảnh sát phát hiện có khoảng trống ngắn anh ta không có mặt ở phòng trực. Triệu tập nhân viên này lên đấu tranh, Giang thừa nhận gây ra vụ trộm két sắt và khai thêm đồng phạm là Lê Mạnh Đoàn (23 tuổi, trú tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội).

Giang khai, tối 17/1 đến bệnh viện ứng trực ở phòng vật tư theo phân công. Trước khi đi anh ta chuẩn bị một số đồ như găng tay, mũ lưỡi trai... Chờ khu vực hành chính không có người qua lại, Giang cạy cửa đột nhập vào phòng để két tiền, kéo ra ngoài rồi gọi Đoàn đến chuyển đi. Chúng bê két về nhà đục phá lấy được 250 triệu đồng, 2.700 USD.

Theo cơ quan công an, những vụ trộm mà hung thủ là “người trong nhà” thường được khám phá nhanh, tuy nhiên nếu là trộm lưu động, chuyên nghiệp sẽ rất khó truy bắt. Công sở là nơi đông người, sau khi phát hiện sự việc họ không có ý thức giữ nguyên hiện trường nên dấu vết kẻ đột nhập thường bị xóa mờ, gây khó trong điều tra.

Mới đây, đêm 25/1, kẻ gian đã đột nhập trụ sở Cục thuế tỉnh Ninh Bình (đường Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình), dù cơ quan này có lắp camera an ninh. Theo đại diện cục thuế tỉnh này, trộm chưa lấy được gì.

Điểm yếu chống trộm ở công sở

Theo các điều tra viên có kinh nghệm của Công an Hà Nội, trộm công sở gia tăng vào cuối năm có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, chúng biết đây là “tháng củ mật”, nhiều cơ quan cất trữ các khoản lương, thưởng chờ phát cho nhân viên. Thứ hai, nhiều cá nhân có tiền hay để ở phòng làm việc. Thứ ba, đây là giai đoạn thời tiết mưa lạnh kéo dài, công tác phòng ngừa ban đêm của lực lượng bảo vệ sẽ sơ hở.

Trao đổi với Zing.vn, đại diện Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, quá trình khám nghiệm hiện trường một số vụ trộm đột nhập công sở xảy ra trên địa bàn, cơ quan chức năng ghi nhận nhiều sơ hở của bị hại.

Tên trộm đột nhập văn phòng giao dịch một ngân hàng, đánh cắp hơn 150 triệu đồng. Ảnh: Công an cung cấp.


“Nhiều cơ quan đất rộng nhưng xây tường rào thấp, thiếu đèn chiếu sáng. Lượng lượng bảo vệ ban đêm mỏng, nhiều nơi mang tính hình thức, ít tuần tra” - đại diện cơ quan công an cho biết.

Một điểm yếu nữa là cửa các phòng làm việc tại công sở thường cấu tạo bằng nhôm kính, hoặc cửa gỗ có ô kính, không lắp song sắt nên trộm dễ dàng dùng đồ nghề đập phá.

Đáng chú ý, lực lượng bảo vệ một số nơi có tư tưởng trông chờ vào hệ thống camera an ninh mà lơ là công việc. Một số văn phòng giao dịch ngân hàng lắp camera an ninh, không bố trí người người bảo vệ ban đêm.

Dẫn chứng vụ trộm đột nhập cách đây 2 tháng, ở văn phòng giao dịch một ngân hàng trên địa bàn phường Điện Biên, đại diện Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Ba Đình cho rằng, đây là ví dụ điển hình việc người đứng đầu cơ sở chủ quan.

Theo đó, đêm một ngày tháng 12/2015, tên trộm thấp nhỏ đã leo lên tum ngôi nhà 3 tầng mà ngân hàng thuê làm văn phòng. Hắn dùng chân đạp vỡ cửa kính, đột nhập vào trong đánh cắp hơn 150 triệu đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định văn phòng này lắp camera giám sát nên không thuê bảo vệ trông coi ban đêm. Nhận thấy sơ hở này, kẻ gian thản nhiên gây án.

Hệ thống camera giám sát của cơ sở dù ghi hình khá rõ về hung thủ, tuy nhiên sau gần 2 tháng phát thông báo truy tìm nghi phạm, cơ quan điều tra vẫn chưa có manh mối về tên này.

Với phương châm tự phòng ngừa là chính, cơ quan công an khuyến cáo, lãnh đạo các cơ quan phải quán triệt cho bộ phận hành chính, kế toán hạn chế tích trữ nhiều tiền tại phòng làm việc dịp giáp Tết. Trong trường hợp buộc phải giữ tiền qua đêm, cần bố trí một phòng riêng trong công sở để bảo quản két sắt, có cửa chắc chắn. “Không nên để két hớ hênh trong phòng làm việc” - đại diện cơ quan công an khuyến cáo.

Ngoài tăng quân số bảo vệ, phân ca cho họ tuần tra lưu động, cơ quan công an cũng khuyến cáo người đứng đầu công sở cho gia cố hệ thống cửa, lắp song sắt đề phòng kẻ xấu đột nhập.

Lãnh đạo các đơn vị cần nhắc nhở nhân viên không nên để tài sản quý tại nơi làm việc. Trước khi rời công sở, cán bộ phải ý thức bảo vệ tài sản cơ quan như khóa tủ, khóa cửa ra vào, tránh tư tưởng khoán trắng cho bảo vệ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh sát hình sự bày cách chống trộm công sở ngày giáp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.