(HNM) - Trước sự “bùng nổ” của xe ôm công nghệ, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc bày bán đồng phục giả để dễ dàng “biến hình” thành các tài xế xe ôm công nghệ và gây ra hàng loạt vụ trộm cắp, vi phạm pháp luật. Để bảo đảm an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần sớm xử lý tình trạng giả mạo tài xế xe ôm công nghệ.
Đồng phục giả bán tràn lan
Chiều 5-12, khảo sát dọc tuyến đường Lê Duẩn (quận Hoàn Kiếm), đoạn từ Ga Hà Nội đến giáp phố Khâm Thiên, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận hàng chục cửa hàng bày bán đồng phục của nhiều hãng xe ôm công nghệ. Một chủ cửa hàng cho biết: Áo phông dài tay hãng Grab giá khoảng 120.000 đồng/chiếc; áo khoác giá 200.000 đồng/chiếc; mũ bảo hiểm 100.000 đồng/chiếc. Nếu mua combo cả 3 sản phẩm của Grab có giá ưu đãi là 350.000 đồng. Đồng phục của Go-Viet và Be rẻ hơn, giá từ 260.000 đồng đến 320.000 đồng.
Trên các trang mạng, chỉ cần gõ từ khóa “bán đồng phục Grab, Go-Viet, Be”, lập tức có hàng chục địa chỉ bán hàng hiển thị. Ngay cả các trang bán hàng online lớn như Sendo, Shopee cũng rao bán công khai đồng phục các hãng xe ôm công nghệ. Hầu hết người bán hàng khẳng định, đồng phục xe ôm công nghệ do cửa hàng cung cấp là “chính hãng”, song đại diện các hãng Be và Grab cho rằng, tất cả sản phẩm này đều là hàng nhái.
Đại diện Hãng Grab cho biết: Khi bắt đầu hợp tác, lái xe phải mua đồng phục do hãng cung cấp. Khi ngưng hợp tác, lái xe phải hoàn trả đồng phục và được thanh toán lại 50% chi phí đồng phục. Phía Grab không hợp tác với bất cứ đơn vị nào để bán riêng lẻ đồng phục GrabBike.
Tuy nhiên, vì mua đồng phục dễ như mua rau nên thị trường cũng xuất hiện nhan nhản các tài xế công nghệ giả mạo và là nguyên nhân của hàng loạt vụ trộm cắp, lừa đảo, gây mất trật tự công cộng... Cụ thể, khoảng 16h00 ngày 9-3-2019, tại khu vực đường Cienco 5 đoạn qua địa bàn thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai), một thanh niên đi xe máy, mặc đồng phục GrabBike đã dùng búa đập vỡ kính của một xe ô tô đỗ bên đường, lấy đi chiếc túi da hàng hiệu bên trong có 20 triệu đồng cùng nhiều đồ trang sức giá trị. Tương tự, ngày 28-10-2019, chủ một cửa hàng thời trang tại khu vực đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) thuê tài xế mặc đồng phục GrabBike biển kiểm soát 29-H8.8422 chuyển hàng cho khách, tài xế này đã lấy toàn bộ hàng hóa và bỏ trốn. Cả hai trường hợp trên, Hãng Grab đều xác định là tài xế Grab “rởm”.
Anh Nguyễn Thành Chung, một tài xế GrabBike cho biết, tại các điểm tập trung lượng lớn hành khách có nhu cầu gọi xe, như bến xe, nhà ga, sân bay, bệnh viện…, luôn xuất hiện nhiều đối tượng mặc đồng phục giả mạo tài xế các hãng xe ôm công nghệ, dọa nạt, buộc tài xế xe ôm công nghệ phải ra khỏi khu vực đón khách, sau đó tiếp cận, chào mời khách đi xe với giá cao hơn xe chính hãng.
Cảnh báo thôi, chưa đủ!
Việc giả danh xe ôm công nghệ diễn ra công khai, tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu An, Giám đốc truyền thông Hãng Grab, cách xử lý vấn đề hiện nay của hãng mới chỉ dừng ở việc… khuyến cáo! Theo đó, khách hàng chỉ lên xe khi đã thực hiện lệnh đặt xe thông qua ứng dụng Grab để nắm được thông tin chi tiết về tài xế (hình ảnh, tên, số điện thoại, biển số xe)... Ngoài ra, hãng mới chỉ gửi văn bản đến Phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ điều tra các đối tượng mạo danh tài xế GrabBike.
Tương tự, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Be Group cho biết, tháng 9 vừa qua hãng phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hồ Chí Minh ký kết bản ghi nhớ hợp tác phòng, chống tội phạm. Tại Hà Nội, hãng đang xúc tiến hợp tác với Công an thành phố để xử lý các trường hợp vi phạm thương hiệu, phòng ngừa tội phạm…
Có lẽ việc chính các hãng xe công nghệ cũng chưa thực sự vào cuộc trước tình trạng tài xế mạo danh lừa đảo, gây mất trật tự công cộng, nên các giải pháp xử lý hiện chưa hiệu quả. Ông Nguyễn Trọng Bình, Quyền Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường Hà Nội ghi nhận thông tin phóng viên Báo Hànộimới nêu và cho biết: Theo quy định, đơn vị sở hữu thương hiệu phải có đề nghị tới Cục để tiến hành thanh, kiểm tra các mặt hàng đồng phục, mũ, phương tiện bảo hộ lao động giả, nhái thương hiệu. Tuy nhiên, đến nay phía Grab và các hãng xe ôm công nghệ chưa có đề nghị nào về vấn đề này nên Cục chưa có số liệu về sản phẩm giả, nhái thương hiệu của các hãng. “Với các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trước hết doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để có giải pháp bảo vệ cho chính doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Nguyễn Trọng Bình nói.
Như vậy, việc kiểm tra, xử lý sản xuất đồng phục, mũ giả, nhái các hãng xe công nghệ đang thực sự bị bỏ ngỏ. Là địa bàn có nhiều bến xe, tụ điểm xe ôm công nghệ hoạt động, Thượng tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cũng cho rằng, để xử lý tình trạng trên, các hãng xe công nghệ cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Đặc biệt là thông báo ngay với cơ quan công an và phối hợp xử lý nghiêm các đối tượng mạo danh có hành vi “chặt chém” khách, gây mất trật tự, an ninh; kết hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý các bến xe, nhà ga, sân bay… đặt bảng thông tin cảnh báo về hiện tượng giả mạo tài xế xe ôm công nghệ, để nhân dân cảnh giác, phòng tránh.
Thượng tá Nguyễn Chí Công, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội cho biết, tình trạng xe công nghệ bùng phát quá nhanh không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn tạo nhiều hệ lụy khiến lực lượng cảnh sát giao thông luôn phải siết chặt trong quá trình kiểm soát, xử lý. Để khắc phục, trước hết cần khẩn trương định danh chính xác loại hình taxi công nghệ để quản lý. Đã là xe chở khách phải có nhận diện cụ thể, rõ ràng, giúp cơ quan công an điều tra, xử lý khi xảy ra các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.