Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với viêm não Nhật Bản khi nắng nóng

Thu Trang| 12/07/2021 07:45

(HNM) - Viêm não Nhật Bản là bệnh hay gặp vào các tháng hè, đặc biệt là ở những người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ vắc xin. Không những gây tỷ lệ tử vong cao, viêm não Nhật Bản còn để lại những di chứng nặng nề đối với người bệnh. Do đó, người dân cần cảnh giác với viêm não Nhật Bản khi nắng nóng, trong đó tiêm chủng đầy đủ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản được điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương). Ảnh: Khánh Chi

Nhiều di chứng nặng nề…

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc viêm não Nhật Bản và chưa có trường hợp tử vong. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, số ca mắc viêm não Nhật Bản trong năm nay giảm hơn so với năm ngoái, nhưng không vì thế mà được phép chủ quan. Bởi, bệnh thường gia tăng vào mùa hè nắng nóng, cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm.

Tính từ đầu tháng 5-2021 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho gần 20 trường hợp trẻ bị viêm não Nhật Bản, đa phần ở các tỉnh phía Bắc. Điều đáng nói, có khoảng 70% số trẻ nhập viện điều trị căn bệnh này phải gánh chịu nhiều di chứng nặng nề. Đơn cử như trường hợp của bé T.T.T. (5 tuổi, ở thành phố Hải Phòng) nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới hơn 3 tuần, nhưng tình trạng bệnh vẫn rất nặng, liệt tứ chi. Trước đó, bé bị sốt cao từng cơn, kèm theo đau đầu, nôn nên gia đình đưa đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng (thành phố Hải Phòng) và được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản. Sau đó, bệnh nhi xuất hiện giảm ý thức, suy hô hấp và được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương. Khai thác bệnh sử, T. được tiêm phòng 3 mũi viêm não Nhật Bản khi 2 tuổi, nhưng từ đó đến nay chưa tiêm nhắc lại.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (chiếm tỷ lệ từ 25 đến 35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. “Hiện tại vẫn còn nhiều trường hợp mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm không đủ số mũi. Nhiều bà mẹ cho rằng, con chỉ cần tiêm phòng 3 mũi vắc xin đến khi 2 tuổi là đủ. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh”, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm cảnh báo.

Đề cập đến nguyên nhân gia tăng viêm não Nhật Bản trong mùa hè, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, vi rút gây bệnh truyền từ động vật sang người thông qua vết muỗi đốt. Do mùa này muỗi truyền bệnh phát triển, chim di cư về ăn quả chín... là những yếu tố thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, trong đó có viêm não Nhật Bản. Đối tượng hay gặp là trẻ em và kể cả người lớn, nếu chưa được tiêm phòng và chưa từng nhiễm vi rút.

Thực hiện tiêm phòng, tuân thủ ăn, ở sạch

Triệu chứng đầu tiên của viêm não Nhật Bản là sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, có thể kéo theo mệt mỏi, ớn lạnh. Khi bệnh nặng có thể có các biểu hiện: Co giật, giảm khả năng nhận thức, la hét, nói nhảm, hôn mê... Trước đây, hằng năm, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận từ 500 đến 600 trẻ mắc viêm não, trong đó hơn 50% là viêm não Nhật Bản. Thế nhưng, nhờ hiệu quả của tiêm chủng, tỷ lệ này giảm còn khoảng 30-50 ca mỗi năm. “Cách phòng tránh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; mũi 2 cách 1-2 tuần sau mũi 1; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó, tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi”, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, với vắc xin phòng viêm não Nhật Bản, nếu không tiêm đủ liều, hiệu quả bảo vệ rất thấp. Nếu chỉ tiêm 1 mũi đầu tiên, thì gần như không có hiệu lực bảo vệ; tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ 3 mũi, hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho rằng, các phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm các mũi còn sót, các mũi chưa tiêm. Ngoài ra, các gia đình cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao thể trạng, đồng thời nằm màn khi ngủ nhằm tránh muỗi đốt, giữ vệ sinh môi trường, nơi ở thông thoáng, sạch sẽ.

Thời điểm này, Hà Nội cùng với cả nước đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19, nhưng không vì thế mà bỏ qua việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn lưu ý, khi đưa trẻ đến các điểm tiêm phòng, các bậc phụ huynh cần tuân thủ thực hiện khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay tại cửa phòng tiêm, bảo đảm giãn cách...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với viêm não Nhật Bản khi nắng nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.