(HNM) - Trong khi người dân và chính phủ các quốc gia trên thế giới nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19 cũng là lúc xuất hiện việc giả thông tin dịch bệnh để lừa đảo hoặc tấn công hệ thống mạng để trục lợi.
Đơn cử như theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), chỉ trong vài tuần qua, người tiêu dùng nước này mất khoảng 5 triệu USD vì bị lừa đảo từ thông tin giả mạo dịch bệnh. Công ty An ninh mạng Proofpoint (trụ sở tại Mỹ) cảnh báo có tới 80% vụ tấn công mạng mà họ ngăn chặn có nội dung liên quan tới đại dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo về chiến dịch tấn công mạng, phát tán mã độc thông qua thư điện tử (e-mail) sử dụng thông tin liên quan đến dịch Covid-19. Theo đó, mã độc "ẩn nấp" trong tập tin đính kèm trên thư điện tử, mang tiêu đề liên quan đến dịch Covid-19, thậm chí giả mạo văn bản chỉ đạo của cơ quan chức năng để lừa người dùng. Nếu tải tập tin về và mở trên máy tính, mã độc sẽ được kích hoạt, kết nối đến máy chủ điều khiển để tải các đoạn mã độc khác và nhận lệnh của tin tặc. Khi đó, tin tặc có thể đánh cắp dữ liệu, thông tin máy tính...
Theo các chuyên gia an ninh mạng, do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu nên tin tặc sẽ tiếp tục lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo người dùng. Ngoài thư điện tử, tin tặc có thể sử dụng các chiêu bài tấn công dưới dạng mạo danh các cơ quan y tế, mời mua các sản phẩm phòng, chống dịch hoặc kêu gọi từ thiện...
Để tránh bị kẻ xấu lừa đảo, người dùng internet không truy cập vào những liên kết lạ, không tải và mở các tập tin không rõ nguồn gốc; cài đặt các phần mềm diệt vi rút có bản quyền. Trường hợp đã mở tập tin đính kèm, cần ngắt kết nối internet và liên hệ với bộ phận quản trị để khắc phục, xử lý.
Những giải pháp trên, có lẽ nhiều người đã biết, song trong bối cảnh hiện nay, cũng cần phải nhắc lại để một lần nữa cùng nhau nâng cao ý thức cảnh giác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.