An ninh trật tự

Cảnh giác với lừa đảo làm quen trên mạng xã hội

Chu Dũng 29/11/2023 - 18:40

Sau thời gian “thao túng tâm lý”, các đối tượng sắp xếp ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân, nhất là nam giới độc thân về hiện tượng lừa đảo làm quen trên mạng xã hội. Ban đầu, các đối tượng đưa hình ảnh đại diện là những cô gái trẻ đẹp, thánh thiện, vờ làm quen, trò chuyện tạo tình cảm để kết bạn trên mạng, tìm hiểu về đời sống của nhau… Sau thời gian “thao túng tâm lý”, các đối tượng sắp xếp ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) mới đây đã tiếp nhận đơn trình báo của anh H (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) về việc nghi ngờ anh bị đối tượng giăng bẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo trình báo của anh H, qua Zalo, anh có làm quen với một phụ nữ tên L (sinh năm 1990), giới thiệu đang bán nông sản online ở Lào Cai. Người phụ nữ cũng cho biết, cô ta hiện là mẹ đơn thân, đã qua “một lần đò”, đang nuôi con trai 5 tuổi. Trong trang Zalo cá nhân của người phụ nữ, anh thấy nhiều hình ảnh hoạt động từ thiện, và L khá xinh đẹp. Anh H qua vài lần trò chuyện đã nảy sinh tình cảm với L.

lua-fb-6625-2779.jpeg
Cảnh giác với những người không quen biết trên mạng xã hội.

Sau thời gian tâm sự trên mạng, L cũng bày tỏ nhớ thương anh H. Nhưng khi anh H muốn gọi điện thoại video để nói chuyện trực tiếp thì L không chấp nhận. Thậm chí L cũng không cho anh H nói chuyện trực tiếp mà chỉ cho nghe những đoạn trả lời hay hỏi han bằng file ghi âm. Đáng chú ý, L thường gạ gẫm anh H sử dụng ứng dụng Viber hay Messenger để tiện nói chuyện…

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cảnh báo, trong vụ việc này, đối tượng muốn chiếm đoạt số điện thoại, từ đó có thể khống chế tài khoản Facebook, Zalo hay nền tảng mạng xã hội khác của anh H để tìm kẽ hở lừa đảo, tống tiền... Vụ việc tương tự như xảy đến với anh H không còn hiếm.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, hiện có 3 nhóm lừa đảo chính: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, trong đó, không thiếu những “bẫy tình” nhắm vào các đối tượng người cao tuổi, những người đàn ông hám "của lạ" hay những người phụ nữ độc thân…

Thủ đoạn ban đầu, kẻ lừa đảo thường tìm hiểu và tiếp cận mục tiêu thông qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, trang web hẹn hò hoặc diễn đàn. Sau đó tạo một hồ sơ giả mạo, sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình đẹp và lôi cuốn; tạo mối quan hệ tình cảm giả với nạn nhân bằng cách sử dụng các chiêu trò như tán tỉnh, chia sẻ câu chuyện cảm động hoặc đưa ra lời hứa. Có thể dẫn dụ nạn nhân gửi hình ảnh video nhạy cảm và dùng chính những hình ảnh này để đe dọa, tống tiền nạn nhân.

Người dân cần cảnh giác khi gặp một người mới trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến, hãy xác minh danh tính của họ bằng cách tìm hiểu về họ, yêu cầu thông tin địa chỉ, số điện thoại liên hệ hoặc thậm chí gặp gỡ trực tiếp nếu có thể; chú ý không nên chia sẻ thông tin cá nhân một cách vội vàng.

Nếu phát hiện đã bị lừa đảo, hãy dừng gửi tiền và chặn tất cả liên lạc từ kẻ lừa đảo. Liên hệ ngay với ngân hàng và tổ chức tài chính của bạn để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch. Thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú. Cảnh báo cho gia đình và bạn bè của bạn về trò lừa đảo này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với lừa đảo làm quen trên mạng xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.