Sức khỏe

Cảnh giác với bệnh thận mạn tính

Tư Văn 11/03/2024 - 08:11

Hiện nay nước ta có khoảng 10 triệu người đang bị bệnh thận mạn tính và mỗi năm có thêm 8.000 ca mắc mới. Tỷ lệ tử vong do bệnh thận mạn tính đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.

Theo thông tin từ Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, bệnh thận mạn tính là tình trạng suy giảm chức năng thận. Tùy vào mức độ bệnh, chức năng thận có thể suy giảm một phần hoặc mất hoàn toàn chức năng, không thể đào thải chất độc hại và dịch thừa ra khỏi máu. Bệnh thận mạn tính vô cùng nguy hiểm vì thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Ngay cả khi có các triệu chứng cũng tiến triển chậm và không có biểu hiện rõ ràng, khó nhận biết.

Vì vậy, nhiều người khi phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn nặng, chức năng thận gần như mất hoàn toàn, phải thực hiện chạy thận nhân tạo cả đời hoặc ghép thận nếu muốn duy trì sự sống. Bệnh thận mạn tính được xác định là tổn thương thận kéo dài trên 3 tháng. Trong giai đoạn tiến triển bệnh thận mạn tính có các triệu chứng mất ngủ, chán ăn, buồn nôn, viêm miệng, mất khẩu vị, tiểu đêm nhiều lần, mệt mỏi, ngứa, suy giảm về tinh thần, sụt cân không rõ nguyên nhân, chuột rút, giữ nước, co giật, mắt cá chân và bàn chân sưng vù...

Các ghi nhận cho thấy người bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang, bệnh bẩm sinh đường tiết niệu, bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt... thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ phát triển bệnh thận mạn tính. Vì vậy, các bác sĩ lưu ý nhóm đối tượng dễ mắc bệnh thận mạn tính nêu trên cần cảnh giác, khi thấy các biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với bệnh thận mạn tính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.