(HNM) - Bộ Y tế vừa có Quyết định số 1172/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan nhỏ.
Theo đó, bệnh sán lá gan nhỏ là bệnh ký sinh trùng do sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật trong gan gây nên những tổn thương đường mật, túi mật và các cơ quan khác với các bệnh lý tùy theo mức độ nhiễm, thời gian nhiễm.
Tại Việt Nam có 2 loài sán lá gan nhỏ là C.sinensis và O.viverrini phân bố ở ít nhất 32 tỉnh, thành phố. Người nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn các thức ăn từ cá chưa được nấu chín có ấu trùng sán lá gan nhỏ còn hoạt động, như: Gỏi cá, lẩu cá, cá muối, cá ngâm giấm, cá khô, cá hun khói...
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh này, đó là rối loại tiêu hóa (phân sống, khó tiêu, đầy bụng, ậm ạch, ăn nhiều mỡ đau tăng lên); chán ăn, mệt mỏi, gầy sút; đau tức phía hạ sườn và vùng gan, xuất hiện khi lao động nặng, đi lại hoặc sức khỏe giảm sút. Đôi khi cơn đau gan điển hình kèm theo vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp có thể còn sạm da. Ngoài ra, gan có thể sưng to dưới bờ sườn, mềm, mặt nhẵn và tiến triển chậm, lúc này có thể đau điểm túi mật.
Để phòng ngừa bệnh sán lá gan, theo Bộ Y tế, người dân không nên ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cá chưa nấu chín; không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế xuống các nguồn nước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.