Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với bệnh ''đến hẹn lại lên''

Thu Trang| 05/03/2021 06:25

(HNM) - Trong 2 tháng đầu năm 2021, nhiều dịch bệnh lưu hành trong nước có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2020. Thế nhưng, thời tiết chuyển sang mùa xuân với đặc trưng mưa phùn, nồm ẩm như hiện nay là thời điểm người dân cần cảnh giác nhiều dịch bệnh theo mùa “đến hẹn lại lên”. Cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế Thủ đô đang tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các bệnh truyền nhiễm.

Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết tại quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Đỗ Tâm

Mùa của nhiều bệnh truyền nhiễm

Theo quy luật, vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân là thời điểm thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhiệt độ lạnh, mưa nhiều, thời tiết nồm ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ gây bệnh. Các loại bệnh truyền nhiễm liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa dễ phát sinh, phát triển thời điểm này là: Sởi, cúm, ho gà, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não mô cầu…

Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận 11.659 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Phú Yên. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 22,7%; còn số ca tử vong tương đương. Tại Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm nay có 42 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 51 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tương đối ổn định, nhưng không vì thế mà người dân được phép chủ quan. Bởi, đặc điểm khí hậu miền Bắc thời gian này là mưa phùn, nồm ẩm, kèm theo những đợt không khí lạnh ngắn ngày, đó là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển, lây lan bệnh sốt xuất huyết. Ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng từ tháng 3 đến tháng 11.

Cùng với sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng là bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào mùa đông - xuân, khi thời tiết nồm ẩm kéo dài. Trong 2 tháng đầu năm 2021, miền Bắc ghi nhận 110 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Riêng ở Hà Nội, từ đầu năm đến nay ghi nhận 8 trường hợp mắc tay chân miệng tại 7 quận, huyện (giảm 1 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020). Tuy nhiên, trong tuần qua (từ ngày 22-2 đến 28-2), thành phố ghi nhận 5 trường hợp mắc tay chân miệng tại huyện Quốc Oai (tăng 4 ca so với tuần trước đó).

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bệnh tay chân miệng có 4 mức độ khác nhau. Trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ 1 thường có các dấu hiệu ở da, niêm mạc như phỏng nước ở lòng bàn tay, chân, kèm theo nốt ở miệng… Với biểu hiện này, trẻ có thể điều trị ở nhà. Còn bệnh khi ở mức độ 2, trẻ có các dấu hiệu như hay giật mình, sốt trên 39 độ C trong 2 ngày kèm theo nôn, khó ngủ, quấy khóc vô cớ… Khi đó, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Xuân Lộc

Chủ động ứng phó

Dù từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc sởi, viêm não Nhật Bản, ho gà, nhưng theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, đây cũng là những bệnh cần cảnh giác trong thời điểm hiện nay. Ngoài ra, tuần qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não mô cầu. Bệnh nhân là nam, 20 tuổi, bộ đội nghĩa vụ tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì. Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện. Não mô cầu cũng là bệnh được cảnh báo nguy hiểm, có xu hướng gia tăng trong mùa đông - xuân, thường xảy ra ở nơi tập trung đông người, như: Nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...

Cùng với các dịch bệnh truyền nhiễm kể trên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Trương Quang Việt cũng lưu ý về dịch Covid-19 luôn có nguy cơ xâm nhập từ các ổ dịch ngoài thành phố, từ những người nhập cảnh… Do đó, thành phố luôn chủ động trong công tác dự báo tình hình dịch bệnh, kể cả dịch bệnh đang lưu hành, dịch bệnh mới nổi hay dịch có nguy cơ xâm nhập để ứng phó có hiệu quả trước mọi diễn biến bất thường. Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã phải thực hiện tốt công tác giám sát dịch, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.

Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đến sức khỏe, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh khuyến cáo, với những bệnh có vắc xin phòng bệnh, phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Còn đối với những bệnh chưa có vắc xin, như sốt xuất huyết, tay chân miệng…, người dân cần thực hiện nếp sống vệ sinh phòng bệnh, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng. Bên cạnh đó, mỗi người cần tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống khoa học với đầy đủ các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nên bổ sung nước uống mỗi ngày, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và duy trì chế độ tập thể dục, thể thao hợp lý…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với bệnh ''đến hẹn lại lên''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.