Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với "bẫy" cho vay tiêu dùng

Hà Linh| 27/05/2018 07:23

(HNM) - Chào mời với lãi suất hấp dẫn, nhưng thực tế người vay phải trả lãi suất


Khách hàng tới giao dịch tại FE Credit - một công ty tài chính. (Ảnh có tính minh họa).


“Bẫy” của công ty tài chính

Những con số nói trên khi được công bố đã gây "sốc" cho nhiều người, bởi lãi suất áp dụng cho mua hàng trả góp hay vay tiêu dùng không thấp, nhưng nếu lãi suất cao như vậy không khác gì tín dụng "đen". Được biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, lĩnh vực cho vay tiêu dùng liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 20%/năm, đạt quy mô 646.000 tỷ đồng, phục vụ 20 triệu lượt khách hàng trên cả nước. Nhưng, những hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng có xu hướng tăng về quy mô và mức độ phức tạp có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Chủ thể cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng là các ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Về thủ tục, ngân hàng thường đòi hỏi kỹ càng nên mất thời gian, trong khi các công ty tài chính thông qua các khoản vay với thời gian nhanh hơn. Chính những ưu điểm này mà nhiều người vay tiêu dùng đã "gõ cửa" công ty tài chính thay vì đến ngân hàng. Dễ dàng thường đi cùng rủi ro, nên lãi suất do các công ty tài chính áp dụng luôn ở mức "ngất ngưởng". Nếu khoản vay được ngân hàng đưa ra lãi suất từ 10-25%/năm, lãi suất được áp dụng tại công ty tài chính có thể cao gấp 3 lần, thậm chí còn cao hơn.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, số lượng khiếu nại của người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào nhóm các công ty tài chính. Các khiếu nại xoay quanh việc nhân viên tư vấn thường cung cấp không đầy đủ thông tin, hoặc thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, khi tư vấn, nhân viên cam kết mức lãi suất chỉ 1-2%/tháng, nhưng thực tế lãi suất thể hiện trên hợp đồng là 6%/tháng. Thậm chí, có nhân viên tư vấn của công ty tài chính giả mạo là nhân viên ngân hàng để giới thiệu dịch vụ. Do người vay đang cần gấp nên không chú ý những điều khoản được ghi trong hợp đồng mà vô tình ký đồng ý với lãi suất cao. Chỉ khi đến kỳ chi trả lãi suất, người vay mới "ngã ngửa" vì đã tự để mình rơi vào "bẫy" của các công ty tài chính.

Cần sớm chấn chỉnh

Tại sao công ty tài chính lại đưa ra lãi suất quá cao như vậy? Ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn, kiêm Giám đốc Huy động nguồn vốn của FE Credit (một công ty tài chính) cho biết, lãi suất vay của khách hàng gồm các chi phí: Vốn, vận hành và quản lý rủi ro của công ty tài chính. Lãi suất cho vay tiêu dùng cao vì đó là vay tín chấp. Do công ty tài chính không được huy động nguồn vốn vay của cá nhân, phải vay của doanh nghiệp, tổ chức khác, ngân hàng…, nên lãi suất phải trả cao hơn nhiều so với ngân hàng đang trả lãi suất cho người gửi tiền. Bên cạnh đó, chi phí vận hành cao do các khoản vay tiêu dùng giá trị nhỏ lẻ, thời hạn ngắn, với đối tượng vay thường là người thu nhập thấp, ý thức kỷ luật tài chính thấp, nên rủi ro cao hơn. Đó là những lý do khiến tổ chức tín dụng thường tính lãi suất cao. Thực tế nếu khách hàng dùng tín dụng tiêu dùng của ngân hàng lớn như tiêu dùng bằng thẻ Visa, Mastercard, lãi suất cho vay rơi vào mức 35%/năm, còn công ty tài chính áp dụng khoảng 40%/năm. Nếu so sánh với lãi suất cho vay thông thường của ngân hàng thì lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn rất nhiều, nhưng nếu so sánh lãi suất cho vay tín chấp không cao hơn nhiều.

Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Cấn Văn Lực, lãi suất của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng hiện khoảng 20-50%/năm tùy thuộc vào khoản vay, thời hạn, rủi ro. Lãi suất như vậy khá cao, nhưng so với quốc tế đây là mức trung bình. Cụ thể, lãi suất cho vay tiêu dùng tại Trung Quốc là 15-40%/năm, Brazil: 30-70%/năm, Ấn Độ: 20-50%/năm... Lãi suất cho vay quá cao do công ty tài chính khác ngân hàng thương mại vì phải đi vay vốn từ các thị trường khác. Công ty tài chính phải chấp nhận rủi ro khi cho vay ở mức độ cao hơn, cho vay không thế chấp, thủ tục phê duyệt nhanh, nên không chỉ lãi suất mà nợ xấu của công ty tài chính cao hơn (khoảng 5%). Để giảm lãi suất, các công ty tài chính cần giảm chi phí hoạt động, nhưng sẽ không được nhiều do họ vẫn phải huy động vốn như vậy. Còn nếu áp dụng bài toán cũ là áp trần lãi suất cho vay thì không nên, vì áp dụng trần lãi suất, các công ty sẽ không muốn cho vay, hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, hộ gia đình, triệt tiêu tín dụng tiêu dùng...

Mặc dù còn nhiều ý kiến xoay quanh lãi suất cho vay của công ty tài chính, nhưng mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 3436/NHNN-TTGSNH (ngày 15-5-2018) yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là tổ chức tín dụng) chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trên toàn hệ thống với từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và báo cáo Ngân hàng Nhà nước về khung lãi suất cho vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với "bẫy" cho vay tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.