(HNMO) - Công an thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, dịp Tết, nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình tồn trữ nhiều loại hóa chất, phụ phẩm làm hàng Tết, dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
Theo Công an thành phố Hồ Chí Minh, những sự cố cháy, nổ hóa chất hầu hết đều ảnh hưởng tới môi trường sống. Mới đây nhất, ngày 16-1, đám cháy tại một xưởng sản xuất mút xốp và tượng nhựa trên đường An Phú Đông, quận 12, đã tạo nên cột khói đen cao hàng chục mét, bao phủ khu dân cư.
Mặc dù vụ cháy được nhanh chóng khống chế, nhưng vẫn khiến người dân lo lắng. Ông Trương Thanh Sang, 61 tuổi, là một người dân sống gần hiện trường vụ cháy cho biết: “Lửa bốc lên rất nhanh, khói bụi, mùi nhựa cháy lan rộng trong khu vực khiến nhiều người lo lắng vì không biết có hại cho sức khỏe hay không”.
Đây là lo lắng có cơ sở. Tuy nhiên, một số quy định về phòng chống cháy nổ hóa chất hiện vẫn còn một số bất cập. Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PC07) Công an thành phố Hồ Chí Minh, nếu như Luật Hóa chất đã quy định rõ về quy mô, cách thức quản lý hóa chất tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất lớn thì các quy định khác liên quan đến quản lý tồn trữ hóa chất nhỏ lẻ trong khu dân cư chưa rõ ràng.
Đơn cử, theo quy định tại Thông tư 23 của Bộ Công an, khu dân cư là khu vực tập trung người dân, hộ gia đình. Nhưng theo Bộ Xây dựng, khu dân cư là khu vực ở có quy mô đến 20.000 người… Sự khác nhau về quy mô này dẫn đến khó thực hiện thẩm quyền quản lý hay trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai công tác phòng chống cháy nổ nói chung, phòng chống cháy nổ hóa chất nói riêng.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07 cho biết, trước mắt, đơn vị đang chủ động thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Năm 2022, đơn vị đã đưa vào sử dụng hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp “Help 114”, đăng tải 3.000 bản tin cảnh báo cháy nổ và kỹ năng xử lý đến người dân; duy trì và phát triển 20 mô hình, phong trào về phòng chống cháy nổ phù hợp thực tế.
Với những vấn đề vượt tầm địa phương, PC07 đã cùng lực lượng chức năng cả nước tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét 3 nhóm vấn đề trọng tâm trong nâng cao hiệu quả phòng, chống cháy nổ hóa chất, gồm: Tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở hóa chất. Nâng cao chất lượng thực hiện công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra cháy, nổ hóa chất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.