Sau thắng lợi mở đầu tại Buôn Ma Thuột, bộ đội ta đã liên tiếp giải phóng một vùng rộng lớn từ Quảng Trị đến Phan Rang. Hoảng sợ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã dựng phòng tuyến tử thủ tại Xuân Lộc. Chúng gọi nơi đây là “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn. Sau 12 ngày đêm giành giật quyết liệt từng ngôi nhà, góc phố, ngày 21-4-1975, “cánh cửa thép” Xuân Lộc đã bị mở toang.
Tượng đài chiến thắng Long Khánh Ảnh: X.Trường
Chuyện của ông Hai Nở
Nhà ông Hai Nở - nguyên Chính trị viên Đội biệt động của Thị đội 30 năm về trước ngay dưới chân tượng đài Chiến thắng Long Khánh. Châm điếu thuốc, hít một hơi dài, ông xúc động: “Nhiều anh em trong đơn vị tôi đã ngã xuống khi tuổi đời còn trẻ, chưa người yêu, chưa vợ con...”, rồi ông kể tiếp: “Từ khi chiến dịch giải phóng miền Nam bắt đầu, cấp trên đã xác định rằng tỉnh Long Khánh cách Sài Gòn hơn trăm cây số là cửa ngõ quan trọng. Cả ta và địch đều hiểu được điều này. Địch đã dựng hệ thống phòng thủ với hỏa lực và bộ binh rất mạnh, không đánh được thì mũi tấn công này vào giải phóng Sài Gòn sẽ vô cùng khó khăn. Trước ngày mở chiến dịch Xuân Lộc, Đội biệt động được lệnh thọc sâu vào nội đô diệt ác, đánh các cơ quan đầu não, hành quân, phối hợp cùng du kích các địa phương chiếm ngã ba Ông Đồn, núi Chứa Chan, làm chủ các ấp trên Quốc lộ 1, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội chủ lực áp sát thị xã. Chúng tôi đánh với quân ngụy nhiều trận. Vừa diệt xong đồn Bình Lộc, Thị ủy gọi về làm việc với anh Hoàng Cầm, đội nhận nhiệm vụ chia nhỏ lực lượng dẫn đường cho các đoàn quân vào giải phóng Long Khánh”.
Rạng sáng ngày 9-4-1975, chiến dịch Xuân Lộc mở màn, pháo ta bắn mãnh liệt vào hệ thống phòng thủ địch, xe tăng từ các hướng ào lên cùng bộ binh đánh chiếm tòa hành chính, tiểu khu... Địch phản kích ác liệt nhưng đến gần 8h, ta đã cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh tử thủ, chúng co cụm lực lượng,điều quân tinh nhuệ về giành lại thị xã và chặn bước tiến của hướng tiến công này. Chúng huy động cả không lực gồm máy bay AD6, A37, F5A thực hiệnhàng chục phi vụ oanh tạc mỗi ngày, chưa kể ngót 70 khẩu pháo từ nhiều trận địa trút đạn vào Long Khánh. Rừng cao su cây gãy ngổn ngang. Xuân Lộc tan nát. Ngày 12-4, địch ném 2 quả bom CBU (loại bom hơi ngạt, giết người bằng bức xạ đốtcháy o-xy) làm hàng trăm chiến sĩ hy sinh và rất nhiềungười dân thiệt mạng. Ta quyết định thay đổi phương án tác chiến, tạm thời rút bộ đội chủ lực ra khỏi thị xã, dùng lực lượng dự bị chiến dịch tiến công. Sáng 21-4, ta làm chủ thị xã Long Khánh, tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Xuân Lộc”.
Căn nhà của ông Nở không mấy rộng rãi. Gian ngoài ông cho thuê để lấy thêm chút tiền cho gia đình chi tiêu. Đưa tôi ra trước nhà, ông Hai Nở vòng tay chỉ ra xa: “Sau giải phóng, thị xã này nát vụn. Người dân thị xã phải che tạm miếng tôn lỗ chỗ mảnh đạn làm mái sống qua mùa mưa. Nhưng bây giờ thì đã thay đổi. Căn cứ quân sự của Sư đoàn 18 ngụy rộng gần 80 ha đã trở thành khu dân cư.Khu vực đồn Hoàng Diệu của Mỹ, Trung đoàn 51 của ngụy nay cũng chen chúc nhà dân. Những cánh rừng ven thị xã nay cũng san sát nhà. Thị xã rộng hơn 30 năm trước rất nhiều. Có đố cũng chẳng mấy ai chỉ được chính xác 2 quả bom CBU ném ở chỗ nào. Thật mừng là Long Khánh đã đổi thay và phát triển”.
Ông Hai Nở
Và trăn trở của người Long Khánh
Huyện Xuân Lộc trước đây có diệntích lớn hơn cả quê lúa Thái Bình, sau mới tách làm hai: Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Trong cuộc tổng tấn công giải phóng miền Nam,đây là điểm quyết chiến ác liệt nhất. Long Khánh bị bom đạn cày đi, xới lại, hậu quả chiến tranh rất nặng nề. Mươi năm trước vẫn còn những ngôi nhà lỗ chỗ vết đạn, 20% hộ dân lâm cảnh đói nghèo, nay con số này chỉ còn 2%, thị xã đã được khoác một tấm áo mới. Năm 2004, thu nhập bình quân đầu người của Long Khánh là 8,4 triệu đồng/năm. Nguồn thu của dân từ cà phê, cao su, cây ăn quả tăng đáng kể nhờ thị trường ổn định. Long Khánh đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bên cạnh thế mạnh cây công nghiệp, Long Khánh đã bước đầu phát triển công nghiệp, mở rộng thương mại, dịch vụ. 3 doanh nghiệp100% vốn nước ngoài đã đến Long Khánh đầu tư, trong đó có nhà máy sản xuất đồ hộp rau quả xuất khẩu.
Phó chánh văn phòng UBND thị xã Long Khánh Đặng Việt Dũng cho biết: “Trăn trở của chúng tôi là công tác đền ơn đáp nghĩa. Những năm qua Long Khánh đã xây được hàng trăm nhà cho các đối tượng chính sách. Thế nhưng nghĩa trang liệt sĩthị xã vẫn còn rất nhiều mộ liệt sĩ vô danh. Chính quyền địa phương đã cố gắng nhưng vẫn không xác định được tên họ. Đấy là điều đáng suy nghĩ, chúng tôi chưalàm trọn vẹn”.
Theo Phó phòng LĐTB và XH Nguyễn Văn Hùng thì: “Năm qua, chính quyền thị xã đã phối hợp với nhiều ngành xây 48 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn không có khả năng làm nhà, hỗ trợ từ 6 đến 10 triệu đồng sửa chữa nhà cho các đối tượng chính sách đỡ khó khăn hơn. Ngoài trợ cấp của Nhà nước, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được nhậnthêm 300.000 đồng từ Quỹ từ thiệncủa các doanh nghiệp trên địa bàn. hàng năm Long Khánh đều cấp kinh phí tu bổ, năm nay, kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thị xã sẽ chỉnh trang, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng”.
Hơn 3000 ngôi mộ xếp đều tăm tắp như hàng quân chỉnh tề trước ngày vào trận, nghĩa trang thị xã ngát khói hương. Quản trang Nguyễn Vũ Lộc nói với chúng tôi: “Trên mảnh đất miền Nam này, đâu đâu cũng có mộ liệt sĩ vô danh, nhưng ở đây liệt sĩ vô danh rất nhiều. Chúng tôi tạo mọi điều kiệncho thân nhân thăm viếng, nhiều thân nhânliệt sĩ ở các tỉnh phía Bắc đượcchính quyền thị xã hỗ trợtiền vé đi lại. Tôi tự hào với việc hàng ngày được chăm sóc phần mộ những người anh hùngđã chiến đấu và ngã xuống vì non sông đất nước, trong đó có cả người thân của mình”.
Anh Lộc kể: “Nhiều thân nhân liệt sĩ ở phía Bắc vô đây xin được dời hài cốt liệt sĩ về quê để tiện việc chăm sóc, nhưng Nhà nước chưa cho di dời nênchúng tôi chỉ biết giải thích như vậy dù rằng nguyện vọng đó là chính đáng. Nhiều thân nhân biết phần hồn của các liệt sĩ nằm đây đã có chúng tôi hương khói, chăm sóc chu đáo nên cũng vui vẻ ra về. Có thân nhân liệt sĩ đến nghĩa trang này tìm kiếm nhưng không thấy tên người thân, đã khóc, những lúc đó chúng tôi cảm thấy day dứt như mình có lỗi”.
Rời Long Khánh, đi giữa những rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi nhớ câu chuyện cách đây 30 năm, đồng chí Nguyễn Thanh Ngạn thay mặt Thị ủy traolá cờ Mặt trận giải phóng cỡ lớn cho mũi thọc sâucủa Quân đoàn 2, trước khi vào Sài Gòn. Lá cờ ấy mang trọn vẹn niềm tin của người Xuân Lộc trong mùa Xuân đại thắng và vẫn đang bay trong trái tim mỗi người Long Khánh hôm nay. Tháng 4 mùa khô cũng không làm Xuân Lộc khô héo vì thiếu nước, những rừng cây cao su vẫn xanh rì, cà phê vẫn ra hoa và những rẫy chôm chôm đã có trái non. Chúng tôi tin rằng Xuân Lộc, Long Khánh sẽ phát triểnhơn nữa để làm yên lòng những người đã ngã xuống tại “cánh cửa thép” cách đây 30 năm.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.