(HNM) - Sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Văn phòng Công chứng Sao Bắc Đẩu (TP Hồ Chí Minh) thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động của các văn phòng công chứng.
Văn phòng Công chứng Sao Bắc Đẩu, quận 9, TP Hồ Chí Minh làm giả con dấu, tài liệu. |
Ngày 25-9-2018, Thanh tra Sở Tư pháp phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận 9, TP Hồ Chí Minh), Phòng Kinh tế quận 9 cùng nhiều đơn vị chức năng đã kiểm tra Văn phòng Công chứng Sao Bắc Đẩu, số 229 đường Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9.
Tại thời điểm kiểm tra, các cá nhân, tổ chức đã thực hiện công chứng, chứng thực khoảng 600 vụ việc. Sau khi xác minh, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh xác định bước đầu, các cá nhân, tổ chức có hành vi hoạt động hành nghề công chứng trái phép, làm giả và sử dụng con dấu của Văn phòng Công chứng quận 12 do ông Nguyễn Thế Thành ký tên nhưng ông này không có đăng ký hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố.
Các hành vi vi phạm này có dấu hiệu tội phạm nên Sở Tư pháp đã chuyển hồ sơ đến Công an quận 9 để điều tra, xử lý theo thẩm quyền; đồng thời thông tin đến các cơ quan, tổ chức biết, không tiếp nhận, sử dụng các văn bản công chứng, chứng thực liên quan đến vụ việc.
Ngày 22-10, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an quận 9, TP Hồ Chí Minh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Kim Nga - Giám đốc Văn phòng Công chứng Sao Bắc Đẩu để điều tra hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”.
Ngoài sai phạm nghiêm trọng nêu trên, mới đây, Công an quận 9 đã phối hợp với Phòng Tư pháp quận kiểm tra phòng 4.7, lầu 4 của chi nhánh một ngân hàng (đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) do Văn phòng Công chứng Nguyễn Cảnh thuê. Xác minh ban đầu, Công an quận 9 nhận thấy Văn phòng Công chứng Nguyễn Cảnh đã vi phạm các quy định khi thực hiện hoạt động công chứng ngoài trụ sở (đã đăng ký theo giấy phép) và mang con dấu ra khỏi trụ sở cơ quan, tổ chức là sai quy định. Hiện Công an quận 9 đã chuyển hồ sơ đến Sở Tư pháp thành phố để xem xét, xử lý vi phạm này.
Nói về các hồ sơ, giao dịch đã được công chứng giả, công chứng viên Nguyễn Huy Giang (Văn phòng Công chứng Dương Thanh Tú ở quận Bình Tân) cho biết, tại thành phố, các tổ chức công chứng đều có liên thông thông tin với nhau. Khi Sở Tư pháp đã phát thông báo về trường hợp văn phòng công chứng giả thì thông tin sẽ lên mạng nội bộ chung, kể cả các cơ quan khác cũng biết. Vì vậy các giấy tờ, giao dịch ký ở đấy sẽ bị phát hiện, nhưng nếu sử dụng ở các địa phương khác thì có thể họ sẽ không biết. Theo ông Nguyễn Huy Giang, trường hợp người sử dụng giấy tờ trên biết rõ là giả mạo mà vẫn cố tình sử dụng để thực hiện thủ tục pháp lý khác thì sẽ vi phạm pháp luật hình sự.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, hiện nay toàn thành phố có 87 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 74 tổ chức đang hoạt động và 13 tổ chức vừa có quyết định thành lập, đang đăng ký hoạt động. Để ngăn chặn văn phòng công chứng giả, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, Sở đang dự thảo văn bản để thông tin đến người dân ở 322 phường, xã tại thành phố về danh sách các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố (đã được công khai trên website của Sở), kèm theo tên trưởng văn phòng và số điện thoại.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp sẽ tổ chức tọa đàm về tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng, chứng thực với các cơ quan, đơn vị có liên quan; tổ chức giao ban về công tác chứng thực và tập huấn kỹ năng nhận dạng giấy tờ giả. Sở Tư pháp cũng đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng cơ chế cho kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực công chứng, giao dịch bảo đảm với hệ thống thông tin dữ liệu của các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan công an, cơ quan thi hành án và các cơ quan có liên quan nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo chủ thể trong hoạt động công chứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.