(HNMO) - Nghiên cứu của Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO) cho thấy, cứ 10 người châu Âu thì có 1 trường hợp mua phải các sản phẩm hàng giả chủ yếu có nguồn gốc từ châu Á.
Cơ quan có trụ sở tại thành phố Alicante (Tây Ban Nha) cho biết, nhiều người tiêu dùng phải vật lộn để phân biệt giữa sản phẩm thật và giả. Số liệu của EUIPO và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, các sản phẩm giả chiếm 6,8% hàng nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) và có tổng giá trị lên đến 121 tỷ euro.
Theo AFP ngày 8-6, hàng giả xuất hiện tại tất cả lĩnh vực, từ quần áo đến điện tử, đồ chơi và rượu. 9% người dân châu Âu thừa nhận từng mua phải sản phẩm giả. Tuy nhiên, tỷ lệ này khác nhau giữa các quốc gia, với 12% ở Tây Ban Nha, 9% ở Pháp, 19% ở Bulgaria và 2% ở Thụy Sĩ.
Trong bối cảnh thương mại điện tử đang bùng nổ trên phạm vi toàn cầu do những tác động của đại dịch Covid-19, 70% người dân châu Âu đã mua sắm trực tuyến trong năm 2020, theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat).
Nghiên cứu của EUIPO cũng nêu rõ, 33% người dân châu Âu từng thắc mắc về tính xác thực của những sản phẩm đã mua và khả năng phân biệt hàng giả với hàng thật vẫn là một vấn đề.
Giám đốc Điều hành EUIPO Christian Archambeau cho biết, tình trạng gia tăng thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe giả có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cũng như sự an toàn của người dùng.
Theo một nghiên cứu khác của EUIPO được công bố vào đầu năm 2021, các quốc gia xuất xứ chính của thuốc giả là Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore đóng vai trò trung tâm trung chuyển đối với những sản phẩm có điểm đến chủ yếu là châu Phi, Mỹ và châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.