Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo tai nạn đuối nước với trẻ em

Bảo Ngọc| 08/10/2022 08:06

(HNMCT) - Tai nạn đuối nước là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với trẻ em Việt Nam. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tháng 9 vừa qua, mặc dù đã qua mùa “cao điểm” về đuối nước, bệnh viện vẫn liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ bị đuối nước dẫn tới tổn thương phổi, suy hô hấp.

Không chỉ dạy trẻ học bơi mà còn cần phải được trang bị kỹ năng chống đuối nước cho trẻ. Ảnh: Phùng Kiên

Liên tiếp trẻ nhập viện vì đuối nước

Ở nước ta, mặc dù có xu hướng giảm nhưng trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6%, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác.

Đầu mùa hè năm nay, cả nước liên tiếp ghi nhận các vụ đuối nước mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Theo Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chỉ trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, cả nước có ít nhất 14 trẻ em tử vong do đuối nước. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 38 vụ đuối nước, làm 113 trẻ tử vong.

Hoạt động bơi lội, vui chơi dưới nước luôn thu hút các “thượng đế nhí”. Do đó, các bể bơi dịch vụ tư nhân cũng “mọc lên như nấm”. Tình trạng chung của các bể bơi dịch vụ là khi triển khai dự án đầu tư, xin cấp phép thì phía cung cấp dịch vụ thực hiện đầy đủ các loại thủ tục, mua sắm đủ trang thiết bị, có hợp đồng thuê và bố trí huấn luyện viên, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ đầy đủ... Tuy nhiên, khi duy trì hoạt động ở thời điểm đã qua cao điểm mùa hè, lượng khách đến bơi vắng hơn thì công tác phòng, chống tai nạn đuối nước thường bị lơ là. Cùng với đó là sự hạn chế về nhận thức, kỹ năng ứng phó khi trẻ bị đuối nước và sự chủ quan của các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc, quản lý con em mình. Chỉ tính riêng ngày 3-9, tại khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, đã tiếp nhận điều trị cho 6 trẻ bị đuối nước (từ 3 - 12 tuổi). Các trẻ vào viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, thậm chí có trẻ đã tử vong.

Với các ca đuối nước nói trên, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: Có một số gia đình đưa trẻ đi du lịch, đi bơi nhưng người lớn lơ là hoặc để trẻ tự trông nhau nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc.

Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em

Từ nhiều năm qua, hàng loạt biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã được quan tâm, đặc biệt là việc dạy bơi, rèn luyện kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho thiếu niên, nhi đồng. Tuy nhiên, trẻ em rất dễ bị tai nạn thương tích do hiếu động, tò mò, nghịch ngợm nhưng lại thiếu kỹ năng phòng, tránh tai nạn, thương tích. Nhiều vụ đuối nước xảy ra khi các em biết bơi nhưng không được trang bị đủ kiến thức để ứng phó trước những tình huống nguy hiểm như cứu được bạn nhưng không cứu được chính mình, biết bơi nhưng đuối sức trong dòng nước lớn...

Chị Nguyễn Thanh Hương (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Con tôi đã học một khóa phổ biến kiến thức bơi lội ở trường nhưng chủ yếu là học trên... cạn chứ nhà trường chưa có điều kiện cho trẻ thực hành. Trẻ chỉ được học qua loa về lý thuyết thì chưa đủ, bởi như thế thì trẻ vẫn thiếu kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ, cấp cứu. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng để khi các con gặp tình huống nguy hiểm thì có thể tồn tại trong môi trường nước, chờ người lớn tới cứu”.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh vẫn còn chủ quan khi đưa con đến các điểm vui chơi dưới nước. Không ít người đưa trẻ đến bể bơi rồi ngồi “ôm” điện thoại, tán gẫu cùng các phụ huynh khác thay vì chú ý giám sát con em mình. Do đó, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, trường học thì mỗi gia đình cần quan tâm, giám sát, nhắc nhở con em mình về nguy cơ tai nạn, cách phòng tránh tai nạn thương tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tai nạn đuối nước với trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.