Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo mới

Ngọc Anh| 18/06/2023 10:08

(HNMO) - Ngày 18-6, Công an thành phố Đà Nẵng thông tin rộng rãi để cảnh báo người dân về việc đang tồn tại một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo tài sản mới.

Thứ nhất là thủ đoạn làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện hợp đồng mua bán xe mô tô, xe máy. Thời gian qua, Công an thành phố Đà Nẵng đã phát hiện nhiều vụ việc này.

Cụ thể, các đối tượng liên kết với nhau để hợp thức hóa các hợp đồng mua bán xe mô tô, xe máy, hợp đồng ủy quyền có chứng thực khống của UBND và công an địa phương, với mục đích các đối tượng hợp thức hồ sơ sang tên, đăng ký mô tô, xe máy. 

Với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, các đối tượng đã thực hiện và bán khoảng 2.000 tài liệu cho nhiều người khác để hợp thức hồ sơ sang tên, đăng ký mô tô, xe máy cũ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước để thực hiện nhiều vụ lừa đảo với số tiền thiệt hại từ vài triệu đồng đến hàng tỷ đồng (chứng thực khi chưa có thông tin bên bán, bên mua và các thông tin khác).

Thứ hai là phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc vay mượn, câu kéo dụ dỗ góp vốn đầu tư. Theo đó, lợi dụng tâm lý người vay tiền thường chủ quan một phần vì tin tưởng là bạn bè, đồng nghiệp hoặc hàng xóm láng giềng, nên không kiểm tra lý do các đối tượng cho vay đưa ra có đúng hay không mà đã trực tiếp làm thủ tục cho vay mượn tiền, góp vốn đầu tư sinh lời. 

Mặt khác, các đối tượng lừa đảo thường tạo dựng trước lòng tin cho các bị hại bằng nhiều cách khác nhau như: Vay mượn trả đúng hẹn nhiều lần, hay đưa ra những thông tin có nhiều lợi nhuận để đánh vào lòng tham của những người cho vay mượn tiền, người góp vốn (những thông tin chính sách về các dự án, nhưng đối tượng không có tham gia vào các dự án đó, không được quyền mua bán chuyển nhượng đối với các dự án đó). 

Các đối tượng sử dụng thủ đoạn này thường vẽ lên bức tranh đầu tư sinh lời nhanh chóng. Hoặc khi cùng nhau góp vốn đầu tư bất động sản, các đối tượng thường nói để chúng đứng tên trên tài sản sau đó bán tài sản này cho người khác chiếm đoạt số tiền góp vốn đầu tư của các bị hại. Sau khi nhận được khoản tiền từ việc vay mượn, đầu tư góp vốn, các đối tượng sử dụng vào mục đích cá nhân, trả nợ… rồi sau đó bỏ trốn.

Cơ quan công an xác định, hành vi nêu trên của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng của các bị hại, dẫn đến tâm lý bất an, hoang mang trong quần chúng nhân dân và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Công an thành phố Đà Nẵng đề nghị những người cho vay mượn, góp vốn đầu tư cần phải xác minh trước thông tin và kiểm tra chặt chẽ các lý do mà các đối tượng đưa ra có đúng hay không rồi mới tiến hành các thủ tục cho vay mượn tiền, góp vốn đầu tư đúng theo quy định pháp luật… Nếu xảy ra sự việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.