Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo đẫm nước mắt

Triệu Dương| 05/11/2011 08:04

(HNM) - Mờ sáng ngày 3-11, người dân tổ 51 phường Bách Khoa bị đánh thức bởi một tiếng nổ long trời. Khu vực phát nổ là ngôi nhà số 25, ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng


Ngay sau tiếng nổ, mọi người lập tức lao đến tìm cách cứu người bị nạn. Thế nhưng trong đống đổ nát, họ không tìm thấy hai chị em Trần Ngọc Tâm và Trần Duy Anh đâu. Khi thảm họa ập đến, hai em bé vẫn đang ngủ say trên tầng hai. Cái chết thương tâm của các em có một phần lỗi của những người ở lại.

Bị động trong công tác cứu nạn

Các nhân chứng kể lại, CA phường Bách Khoa và CA quận Hai Bà Trưng ngay lập tức có mặt tại hiện trường. Một giờ sau, lực lượng Cảnh sát PCCC có mặt, loay loay mãi mới nổ được máy khoan chuyên dụng. Chỉ có một chiếc đệm hơi được nhồi xuống mảng bê tông và bơm căng là phát huy tác dụng nâng tấm bê tông lên để có khoảng trống. Do ngõ 22 Tạ Quang Bửu chỉ rộng chưa đến 1m, vị trí ngôi nhà bị sập lại nằm sâu trong ngõ, nên các phương tiện cứu hộ không thể tiếp cận. Cho đến 10h sáng, một máy xúc chuyên dụng đi từ ngõ 30 Tạ Quang Bửu vào đã phải phá một bức tường ngăn cách, tạo khoảng trống tiếp cận hiện trường. Dãy nhà để xe ở khu chung cư cũng bị phá dỡ một phần để xe cẩu tiếp cận. Nhưng biện pháp phá tường cũng chẳng đem lại hiệu quả bao nhiêu, lực lượng cứu hộ vẫn phải tiếp cận và xúc từng xẻng bê tông ra ngoài. Người lái máy xúc đợi mãi không có việc, đành ngả lưng trên ca bin đánh một giấc. Lực lượng cứu hộ sau nhiều lần giật khởi động máy khoan hơi và đem tới hiện trường một chiếc máy khoan cắt hình mỏ chim rất hiện đại cũng chỉ để đấy, không thấy sử dụng. Ngoài đường Tạ Quang Bửu, 3 xe cứu thương 115 cùng lực lượng y tế đã sẵn sàng với 2 chiếc cáng. Lực lượng cứu nạn phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để nâng tấm bê tông lớn đang đè lên khu vực giường ngủ của hai cháu bé. Nhiều giờ đồng hồ trôi qua, mọi nỗ lực dường như vô vọng…


Nhiều phương tiện cứu chữa hiện đại nhưng không phát huy tác dụng.


6 tiếng sau, nhiều người phải hợp sức nâng một tấm bê tông nặng để xoay vai cháu Tâm đưa ra ngoài đi cấp cứu. Đáng tiếc là, cũng như em trai Duy Anh được cứu ra trước đó khoảng 1h, cháu Tâm đã ngưng thở. Một chiến sĩ cảnh sát PCCC, người đã trực tiếp đưa cháu bé ra khỏi đống đổ nát cho biết, do các tấm bê tông lớn đè trúng vị trí các cháu nằm ngủ nên khi cứu hộ, các anh phải nhẹ nhàng đưa từng viên gạch ra ngoài, vì trên tấm bê tông vẫn còn có cả một cái lồng sắt lớn đè lên. Nếu công tác cứu hộ hai cháu bé không cẩn thận sẽ khiến cho toàn bộ đống đổ nát phía trên đổ sập xuống.

Người dân khu phố 51, phường Bách Khoa tỏ ra bức xúc về tiến độ công tác cứu hộ. Nhiều người cho rằng cháu Duy Anh có thể đã chết khi bê tông đổ xuống, còn cháu Tâm, khi mang ra người vẫn còn mềm, máu còn chảy chứng tỏ nếu được cứu sớm hơn, cháu Tâm có thể không chết. Ông Nguyễn Đức Thảo, tổ trưởng tổ dân phố cho biết: "Công tác cứu hộ diễn ra quá chậm chạp, phương tiện cứu hộ quá lạc hậu, không có sự thống nhất, cứu hộ theo kiểu chắp vá, chúng tôi rất sốt ruột và bức xúc". Theo lời những người chứng kiến, dù huy động một lực lượng đông đảo nhưng do không có kế hoạch, không kịp thời, chủ động, phương tiện cứu hộ không sử dụng được nên tiến độ cứu hai cháu quá chậm.

Nỗi đau của người ở lại

Được biết, từ lâu khi thực hiện dự án xây dựng chung cư gần khu vực ngõ 22 Tạ Quang Bửu, đã có phương án mở rộng ngõ. Theo phương án được công khai cho nhiều người dân biết thì ngôi nhà số 25 và cả dãy nhà nằm sát bờ tường khu chung cư đều nằm trong diện giải tỏa. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà khi tòa chung cư "hàng xóm" được đưa vào sử dụng đã lâu mà việc mở rộng ngõ 22 vẫn chưa được tiến hành? Thêm vào đó, tầng 3 nhà số 25 tường xây không có trụ, toàn bộ hệ thống chịu lực chỉ là bức tường 10 "mỏng dính" nên rất dễ sập khi chịu chấn động bất ngờ. Cũng theo nhiều người dân, nhà số 25 ngõ 22 đã nhiều lần cơi nới. Trước kia, ngôi nhà chỉ xây 1 tầng và tầng 1 có trụ chịu lực. Sau nhiều năm, đến năm 2002, hai người con lớn khôn, không gian tầng 1 không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt nên anh chị Minh đã quyết định xây thêm 2 tầng trên theo kiểu gia cố, tường không có trụ chịu lực nên khi có tác động ngoại lực đã khiến hai tầng trên sập hoàn toàn. Tất cả cư dân tổ 51 đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là khu vực nằm trong dự án Khu đô thị Đại Cồ Việt mới nên đã nhiều lần, các hộ dân tổ 51 kiến nghị lên UBND phường xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều bị từ chối. "Khu đô thị mới Đại Cồ Việt sẽ giải tỏa theo ba phần: Phần giải tỏa hoàn toàn; phần chỉnh trang tự tu sửa và phần giải tỏa một nửa. Nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm vào sáng ngày 3-11 thuộc diện tự tu sửa. Không hiểu sao chính quyền không cấp giấy sử dụng đất để các hộ dân chúng tôi xây dựng, tu sửa..." - Ông tổ trưởng tổ dân phố 51 cho biết.

Vụ nổ khí ga tại nhà số 25, ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, gây chết người không phải là vụ duy nhất từ đầu năm đến nay. Theo Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy CATP, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 157 vụ cháy, nổ (trong đó có 155 vụ cháy, 2 vụ nổ), làm 5 người chết, 15 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính trên 19 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy chủ yếu do chập điện (72 vụ, chiếm 45,86%); do sử dụng lửa (36 vụ, chiếm 22,93%); do sử dụng ga (7 vụ); do sự cố kỹ thuật (7 vụ), các nguyên nhân khác 33 vụ. Đa số các vụ nổ ga thường rơi vào trường hợp bất cẩn tại các nhà hàng, quán ăn.

Vụ nổ khí ga ở số nhà 25 chắc không phải là vụ cuối cùng. Sẽ còn có những tai nạn thương tâm khác xảy ra nếu những người sử dụng ga thiếu kiến thức về cách sử dụng ga an toàn. Và việc cứu nạn sẽ còn bị động, không chỉ với tai nạn cháy nổ mà với nhiều loại tai nạn khác, nếu lực lượng cứu hộ không được trang bị phương tiện đủ mạnh, được tập huấn thường xuyên và có đầy đủ các phương án dự phòng khi xảy ra sự cố. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đô thị không chỉ là cảnh sát PCCC mà còn cần thiết có các đội cứu sập, hoặc các tai nạn đường thủy cùng nhiều tình huống khác.

Thiếu tá Lê Việt Dũng, Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường, Phòng Kỹ thuật hình sự CATP: Người dân nên cẩn trọng trong việc sử dụng khí gas. Bởi khi bị rò rỉ, khí gas thường đọng lại ở những chỗ kín, gặp nguồn nhiệt sẽ bốc cháy nhanh, mạnh, tạo nên vụ nổ có sức công phá rất lớn. Khi phát hiện có hiện tượng rò rỉ khí gas, cần bình tĩnh mở toàn bộ hệ thống cửa thoáng để khí gas thoát ra ngoài, thực hiện các thao tác như đeo khẩu trang để khóa van bình gas, mang bình gas ra chỗ trống, nếu phát hiện vị trí rò gas thì dùng dây cao su hoặc xà phòng cục bịt lại, sau đó điện thoại báo cho nhân viên kỹ thuật của cửa hàng gas đến xử lý. Khi có hơi gas trong nhà, tuyệt đối không được sử dụng các nguồn nhiệt, không tắt, bật tất cả các công tắc điện trong nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo đẫm nước mắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.