Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Canh bạc” của nước Mỹ

Thùy Dương| 02/09/2013 05:43

(HNM) - Trong khi cả thế giới tưởng rằng chiến dịch tấn công vào Syria chỉ còn tính bằng giờ thì bất ngờ sáng 1-9 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, ông sẽ đề nghị Quốc hội nước này cho phép thực hiện hành động quân sự chống Syria.



Tuyên bố được đưa ra trong bài phát biểu tại Nhà Trắng có ý nghĩa quyết định, đồng nghĩa với việc Washington tạm gác lại lời đe dọa về các đòn tấn công tức thì đối với chế độ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.

Biểu tình chống chiến tranh tại Syria đang diễn ra tại Mỹ và nhiều quốc gia.


Người đứng đầu nước Mỹ khẳng định, ông đã quyết định và sẽ thực hiện hành động quân sự nhằm vào Syria, nhưng ông tin rằng điều quan trọng trong nền dân chủ của nước Mỹ là phải giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ. Đây là một động thái khá ngạc nhiên bởi diễn biến những ngày qua đều cho thấy khả năng Mỹ sẽ đơn phương tấn công quân sự Syria đã lên rất cao. Nhất là khi các tàu chiến của Mỹ đã vào vị trí chiến đấu và sẵn sàng đợi lệnh khai hỏa. Trong khi đó, các thanh sát viên vũ khí hóa học đã rời khỏi Syria sau quá trình thu thập bằng chứng về một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21-8 tại ngoại ô Damascus. Dẫu vậy, tuyên bố trên cũng không phải là điều quá khó hiểu đối với dư luận. Sự hoài nghi của cộng đồng quốc tế, tỷ lệ ủng hộ thấp của công chúng về một cuộc chiến nữa tại Trung Đông được xem là hai lý do khiến Tổng thống B.Obama để Quốc hội quyết định việc trừng phạt Chính phủ Syria bằng vũ lực.

Thực tế, ngoài đồng minh Pháp tuyên bố sẽ sát cánh với Mỹ trong cuộc tấn công vào đế chế Bashar Al-Assad, thì Anh và nhiều bạn hữu thân cận khác của Mỹ đã đứng ngoài cuộc chiến. Cho đến nay, dù khẳng định có bằng chứng cho thấy Chính phủ Syria đã thực hiện vụ tấn công bằng chất độc thần kinh sarin nhưng Nhà Trắng lại chưa hề công bố bằng chứng liên quan. Vì vậy, kết luận rằng Tổng thống Assad đã ra lệnh tấn công bằng vũ khí hóa học và quân đội Syria đã thực hiện mệnh lệnh ấy chưa hoàn toàn có sức thuyết phục. Thế nên, Anh, Canada và Đức - đồng minh truyền thống của Mỹ - quyết định không đáp trả Syria bằng vũ lực trong khi 12 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định không tham gia chiến dịch quân sự chống Syria nếu không có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoài ra, chắc chắn Mỹ không thể nhận được sự đồng thuận khi Nga và Trung Quốc luôn phản đối việc can thiệp quân sự vào Syria.

Bên trong nước Mỹ, công chúng đã tỏ ra mệt mỏi với các cuộc chiến Iraq, Afghanistan trong hơn một thập kỷ qua. Trong một cuộc thăm dò ý kiến do Reuters tiến hành, phần lớn người Mỹ nói rằng họ không muốn B.Obama tấn công Syria. Nhưng quan trọng hơn cả, trong thời điểm ông chủ Nhà Trắng đã sẵn sàng tấn công Syria, 140 thành viên của Hạ viện Mỹ đã ký vào một lá thư, yêu cầu Tổng thống B.Obama cần sự cho phép của Quốc hội trước khi đưa ra quyết định can thiệp quân sự. Các nghị sĩ Mỹ cũng nói rõ ràng rằng, quyết định của Tổng thống B.Obama vào năm 2011 cho phép quân đội Mỹ tấn công Libya mà không được sự chấp thuận của Quốc hội là hành động "vi hiến". Do đó, sự thay đổi đường hướng bất ngờ này cho thấy Tổng thống B.Obama đang tìm cách kéo dài thời gian để vận động, tìm kiếm sự ủng hộ ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng như sự hậu thuẫn từ các quốc gia đồng minh nhằm tránh cho Washington rơi vào hoàn cảnh đơn phương hành động. Nói cách khác, quyết định "chuyền bóng" sang Quốc hội của Tổng thống B.Obama thể hiện rằng, ông vẫn khá thận trọng với giải pháp quân sự cho Syria bởi cái giá phải trả cho một quyết định như thế có thể là rất lớn. Tấn công bằng tên lửa chống lại lực lượng của ông B.Al-Assad sẽ không biến Syria thành một nền dân chủ ổn định và Mỹ khó mà nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tại đất nước Trung Đông này. Sử dụng lực lượng quân sự có thể thay đổi cán cân quân sự, nhưng không thể giải quyết những vấn đề dân tộc, tôn giáo cơ bản và lịch sử, nguồn gốc của cuộc chiến dai dẳng hiện nay tại Syria.

Hiện Quốc hội Mỹ đang trong thời gian nghỉ và đến tận ngày 9-9 tới mới họp trở lại. Như vậy, một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria nhiều khả năng phải ít nhất 10 ngày nữa mới diễn ra, vì rất ít khả năng Quốc hội Mỹ được triệu tập khẩn cấp để bỏ phiếu cho vấn đề này. Tuy nhiên, kết quả cuộc tranh luận tại Quốc hội là không chắc chắn, bởi nhiều nghị sĩ tới nay vẫn còn do dự, trong đó có cả các nghị sĩ đảng Dân chủ. Đây có thể xem là một canh bạc cực kỳ lớn với Tổng thống B.Obama, người có mối quan hệ khá nhạt nhòa với các nghị sĩ, đặc biệt là những nghị sĩ Cộng hòa. Cùng với những phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, chắc hẳn một lần nữa, ông B.Obama phải tính toán lại những giới hạn về lợi ích để tham gia vào cuộc chiến tại Syria.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Canh bạc” của nước Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.