Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căng thẳng các bệnh mùa nắng nóng

Thu Trang| 19/05/2014 06:31

(HNM) - Tuần qua, thời tiết nắng nóng khiến cuộc sống và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Thậm chí, tại nhiều nơi, nhiệt độ ngoài trời lên tới 38-39 độ C khiến trẻ nhỏ, người già nhập viện gia tăng, chủ yếu do mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa, viêm phổi, tim mạch, huyết áp và ngộ độc thực phẩm...


Bệnh viện chưa thể… "hạ nhiệt"

Thời điểm này, dịch sởi có xu hướng chững lại, số bệnh nhân nhập viện do sởi cũng đã giảm. Thế nhưng các bệnh viện (BV) vẫn chưa thể "hạ nhiệt" vì nhiều bệnh lý khác lại tăng lên, nhất là trong thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay.

Khám và điều trị cho trẻ tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Bảo Sơn



Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), trung bình mỗi ngày có hơn 200 bệnh nhi đến khám, nhập viện vì những bệnh lý như: Sốt cao co giật, viêm đường hô hấp, viêm phổi, ngộ độc thực phẩm, sởi… Nguyên nhân của tình trạng trên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), nắng nóng khiến sức đề kháng của cơ thể thường kém hơn, nhất là đối với trẻ nhỏ. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng thường tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi… bùng phát và tấn công. Ngoài ra, nhiều gia đình cũng đã sử dụng điều hòa để chống lại nắng nóng… Thế nhưng, cơ thể trẻ khó thích ứng với những thay đổi đột ngột nóng - lạnh giữa môi trường phòng điều hòa và nhiệt độ thực tế ngoài trời. Do đó, trẻ dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp, sốt virus…

Tương tự, tại Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) những ngày qua cũng thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu do ngộ độc thức ăn. Nhiều bệnh nhân nhập viện với biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn, mất nước, mất điện giải, sốt. Theo ước tính, số trường hợp ngộ độc thực phẩm trong mùa hè cao gấp 2 lần so với các mùa khác trong năm. Nguyên nhân là do các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm sinh sôi nhanh hơn khi thời tiết nóng và ẩm.

Mùa hè cũng là "mùa" của ngộ độc thức ăn ở trẻ nhỏ vì việc chế biến thực phẩm ở những điểm tham quan, du lịch, vui chơi khó bảo đảm vệ sinh, thức ăn dễ ô nhiễm. Do đó, khi đi chơi xa, phụ huynh nên mang theo dung dịch oresol cho trẻ để đề phòng khi trẻ bị ngộ độc dễ bị nôn, tiêu chảy dẫn đến mất nước. Nguy hiểm của mất nước khi tiêu chảy là làm giảm khối lượng tuần hoàn, rối loạn điện giải, gây co giật, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong do trụy tim mạch. Vì vậy, khi thấy trẻ bị nôn, tiêu chảy nhiều, tốc độ mất nước nhanh, cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế.

Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người già cũng khổ với thời tiết nắng nóng. Những ngày vừa qua, số lượng bệnh nhân đến khám tại BV Lão khoa trung ương đã tăng khoảng 25% so với bình thường. Một số bệnh điển hình vào cấp cứu là: Tim mạch, bệnh hô hấp, bệnh suy nhược cơ thể... Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay sẽ rất bất lợi với những người già có tiền sử tim mạch. Trời quá nóng khiến đổ mồ hôi gây mất nước, nếu không uống đủ nước để bù lại, máu dễ bị cô đặc lại làm tăng gánh nặng cho tim và làm cho dòng máu lưu thông không lưu thoát. Tình trạng này dễ khiến mạch máu bị ứ trệ và tắc nghẽn dòng máu gây nhiều biến chứng.

Không nên lạm dụng truyền dịch

Qua tìm hiểu tại một số BV, các bác sĩ đều cho biết, đa phần các bà mẹ khi đưa con vào viện đều yêu cầu truyền dịch cho con để hạ sốt, chống mất nước, nhanh khỏi bệnh... Thậm chí, nhiều phụ huynh đã chủ động "xin" truyền dịch cho con dù không có chỉ định, thậm chí còn gây sức ép với bác sĩ. Khi được giải thích rằng không nên truyền dịch đối với trẻ bị sốt virus, có người còn phản ứng bằng cách lẳng lặng bế con đi nơi khác điều trị.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh việc truyền dịch sẽ khiến trẻ hạ sốt và đỡ mệt. Thậm chí, nếu lạm dụng truyền dịch, trẻ còn có thể bị tác dụng phụ như sốc dịch, nếu không xử lý kịp thời các biến chứng do sốc rất dễ tử vong. Vì thế, chỉ khi nào trẻ sốt cao vài ngày, không ăn được, nôn, đi ngoài mất nước nhiều thì mới nên truyền dịch. Việc truyền dịch phải tuân thủ đúng chỉ định của các bác sĩ. Trẻ có cân nặng khác nhau thì truyền một lượng dịch khác nhau. Nếu như truyền thừa dịch dễ gây phù phổi, phù não, thậm chí dẫn đến gây tử vong.

Theo dự báo, thời gian tới sẽ còn có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, số người nhập viện tăng. Do vậy, người dân cần chủ động các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và gia đình, đặc biệt là với người già và trẻ em. Các bác sĩ khuyến cáo không nên đi ra ngoài đường lúc trời quá nóng, sử dụng quạt, điều hòa nhiệt độ khoa học, hợp lý. Cách tốt nhất để phòng ngừa nắng nóng là uống đủ nước, đem theo khăn mát để lau cơ thể phụ giúp cơ thể thải bớt nhiệt ra bên ngoài. Nên ăn thức ăn mới nấu chín, không nên dự trữ thức ăn quá nhiều vì khó bảo quản. Với những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch nên đi khám bác sĩ thường xuyên hơn để được tư vấn.

Khi sử dụng điều hòa, các gia đình nên điều chỉnh ở nhiệt độ 27-28 độ C, tránh việc thay đổi nhiệt độ quá đột ngột. Nếu có biểu hiện bất thường về sức khỏe nên đến cơ sở y tế để được điều trị, không nên tự điều trị tại nhà, có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng các bệnh mùa nắng nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.