(HNM) - Thời gian gần đây, hoạt động bốc xếp, mở bến trung chuyển kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) ven sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Đan Phượng tăng cả về quy mô và số lượng. Hầu hết các bến này hoạt động tự phát, thiếu giấy phép, vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ đê kè. Mặc dù cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền sở tại lập biên bản xử phạt vi phạm, nhưng sau một thời gian vi phạm lại tái diễn.
Những "điểm nóng" vi phạm
Tại 5 xã ven sông Hồng qua huyện Đan Phượng có tới 13 bến bãi tập kết VLXD (xã Trung Châu 5 bến, Liên Trung 4, xã Liên Hà 2, xã Thọ An 1 và Hồng Hà 1), mỗi bến bãi chứa khoảng 100 - 10.000m3 cát sỏi các loại, trong đó, 4 bến có giấy phép mở bến, còn lại là bến hoạt động tự phát vi phạm nghiêm trọng hành lang thoát lũ và công trình đê điều. Xã Trung Châu là một trong những điểm "nóng" vi phạm. Thống kê của chính quyền sở tại, toàn xã có 5 công ty và chủ hộ mở bến tập kết kinh doanh VLXD xâm lấn công trình đê kè. Nhiều bến bãi, cát, sỏi chất cao như núi, rộng cả chục nghìn mét vuông. Tại thôn 7, bãi VLXD của hộ gia đình ông Đỗ Văn Thế rộng 8.000m2, vào thời điểm kiểm tra (cuối tháng 10-2010) bãi này đang chứa khoảng 6.000m3 cát sỏi; hộ ông Đỗ Văn Quảng, cùng thôn bãi chứa có diện tích 5.400m2, vào thời điểm kiểm tra có khoảng 10.000m3 cát; bãi chứa của Công ty cổ phần thương mại Thắng Sự diện tích 10.400m2 chứa khoảng 6.000m3 cát...
Theo Ông Nguyễn Đức Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng, hầu hết các đơn vị, chủ hộ kinh doanh đều không có giấy phép mở bến bãi bốc xếp và chưa thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường. Một số sử dụng đất sai mục đích, trường hợp ở xã Thọ An, UBND xã cho thuê đất để cải tạo trồng cây hằng năm, nhưng hộ ông Đỗ Văn Quảng đã sử dụng vào làm bến bãi; hộ ông Đỗ Văn Thế ở xã Trung Châu còn tự ý thuê lại đất nông nghiệp của các hộ trong xã, chuyển đổi mục đích sử dụng… Nhiều hộ kinh doanh VLXD ở xã Liên Trung được UBND xã ký hợp đồng giao khoán đất, nhưng đã hết hạn mà vẫn tiếp tục hoạt động như: Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Ngọc Hà, Công ty TNHH Chiến Thắng, Công ty TNHH Thành Đô…
Liên quan đến quản lý nhà nước về đê điều, ông Nguyễn Đình Thanh, cán bộ Hạt Quản lý đê Đan Phượng cho rằng, các bến bãi bốc xếp hoạt động đã chất tải VLXD với trọng tải quá lớn ảnh hưởng đến các công trình đê kè và hành lang thoát lũ. Tại xã Liên Hà, hộ ông Cao Văn Thúy đã tự lấn chiếm bãi sông để khai thác cát trái phép, vận chuyển VLXD lên mái kè Liên Trì, Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Quân Hoa tự ý lấn chiếm đất ở bãi sông Hồng làm địa điểm trung chuyển VLXD… Nghiêm trọng hơn, quá trình hút cát từ tàu thuyền lên các bãi tập kết VLXD đã mang theo lượng nước lớn thấm xuống đất là nguyên nhân làm yếu hành lang bảo vệ đê và gây sạt lở bờ sông.
Liệu có "bắt cóc bỏ đĩa"?
Chủ tịch UBND xã Trung Châu, Nguyễn Văn Hậu cho biết, UBND xã đã lập 3 biên bản xử phạt hành chính đối với trường hợp vi phạm của các chủ bến và yêu cầu các hộ phải trả lại nguyên trạng theo thời gian quy định, nếu không chấp hành chính quyền sẽ tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng việc xử lý dứt điểm các bến bãi chưa có giấy phép không đơn giản bởi nhu cầu VLXD phục vụ thị trường rất lớn, hơn nữa một số chủ bến bãi lại thuê đất của các hộ dân để sản xuất - kinh doanh, thời hạn thuê đất chưa hết nên chính quyền cũng rất khó "cấm". Tại các xã khác như Liên Hà, Thọ An, Hồng Hà... UBND xã cũng đã tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính các đơn vị, hộ gia đình tập kết, kinh doanh VLXD nhiều lần, nhưng vi phạm chỉ lắng xuống, một thời gian sau đó lại tái diễn trở lại. Theo ông Nguyễn Đức Nam, để hạn chế việc các bến bãi hoạt động ảnh hưởng đê kè, giao thông, môi trường, an ninh trật tự... trên địa bàn, huyện Đan Phượng đã ra thông báo yêu cầu các cơ quan chức năng của huyện chỉ đạo xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm mở bến kinh doanh vật liệu không phép. Theo tinh thần chỉ đạo của UBND huyện, các xã dọc ven sông Hồng tập trung giải tỏa các bến bãi VLXD xong trước ngày 15-11.
Ghi nhận của phóng viên Hànộimới, trong ngày 19-11, các bến bãi tập kết dọc tuyến đê hữu Hồng đã tiến hành giảm tải, một vài bến còn khoảng 1.000 - 2.000m3 cát, sỏi. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, vi phạm ở các bến bãi trên địa bàn huyện Đan Phượng khó có thể giải quyết được triệt để, bởi việc quản lý bến bãi của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo, mức xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã thấp. Hằng năm, mặc dù huyện Đan Phượng đều tổ chức giải tỏa các vi phạm hành lang đê sông Hồng, nhưng các bến bãi chứa VLXD vẫn chưa được đưa vào "tầm ngắm", việc xử lý vi phạm vẫn chỉ dừng lại ở lập biên bản, xử phạt hành chính rồi đâu lại vào đó. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu lần này huyện Đan Phượng không xử lý quyết liệt và thiếu các biện pháp ngăn chặn như trước đây thì việc giải tỏa vẫn ở vào tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa".
Về lâu dài, nếu huyện Đan Phượng xác định nhu cầu về vật liệu lớn và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nên nghiên cứu quy hoạch, sắp xếp lại các bến bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.