(HNM) - Bộ Tài chính đã có dự thảo về quy chế giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và dự kiến quy chế này sẽ thực hiện trong quý III. Đây là việc làm cần thiết sau những vụ
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của quy chế này, các chuyên gia cho rằng cần xác định lại phạm vi giám sát, đại diện chủ sở hữu, cũng như lượng hóa các tiêu chí đánh giá...
Giám sát tài chính là theo dõi, kiểm tra đánh giá các vấn đề về quản lý tài chính, chấp hành chính sách, pháp luật của DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, những vụ vi phạm làm thất thoát vốn nhà nước phần lớn xảy ra trong hoạt động đầu tư của DN. Vì vậy, cần bổ sung hoạt động đầu tư vào phạm vi giám sát của quy chế này bên cạnh hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, cũng cần quy định rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm chính và có cơ chế phối hợp để tránh chồng chéo hoặc né tránh trách nhiệm khi vi phạm xảy ra. Trong dự thảo quy chế giám sát tài chính quy định 5 tiêu chí đánh giá tình hình tài chính của DN, gồm doanh thu và thu nhập khác; lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn chủ sở hữu; nợ phải trả quá hạn và khả năng thanh toán nợ đến hạn; chấp hành chế độ, chính sách, pháp luật về thuế và các khoản thu nộp ngân sách, tín dụng, bảo hiểm, bảo vệ môi trường, lao động, tiền lương, chế độ báo cáo tài chính và báo cáo để thực hiện giám sát tài chính; tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích. Việc sử dụng những tiêu chí này để đánh giá tình hình tài chính của DN là đúng. Song, quan trọng hơn là các tiêu chí này phải được lượng hóa theo phương pháp thống nhất, tránh tình trạng áp dụng những cách tính khác nhau để đưa ra những kết quả khác nhau. Để bảo đảm khách quan, công bằng trong việc đánh giá, xếp loại DN, dự thảo quy chế cũng quy định khi tính toán được xem xét loại trừ những yếu tố ảnh hưởng do nguyên nhân bất khả kháng, do đầu tư mở rộng phát triển sản xuất theo quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt làm ảnh hưởng đến lợi nhuận hai năm đầu kể từ năm đưa công trình đầu tư vào sử dụng, do Nhà nước điều chỉnh giá... Nhưng, trên thực tế, với những DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện do Nhà nước quy định giá vẫn gặp trường hợp do giá thị trường biến động dẫn đến doanh thu, lợi nhuận cũng biến động theo. Đây là tác động của nhân tố khách quan. Vậy, có cần loại trừ với trường hợp giả định trên? Vấn đề nhân sự trong hoạt động giám sát cũng cần xem xét để tránh tình trạng cồng kềnh, chồng chéo...
Như vậy, quy chế giám sát tài chính các DNNN theo dự thảo của Bộ Tài chính cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi ban hành và áp dụng chính thức mới đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng buông lỏng trong quản lý và sử dụng vốn như đã xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.