Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần xác định tỷ lệ nội địa hóa máy tính hợp lý

THUHANG| 12/08/2003 08:47

Theo Thông tư số 04/2001/TT-BCN của Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc thực hiện Quyết định (QĐ) 19/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung máy tính vào danh mục các sản phẩm công nghiệp trọng điểm được hỗ trợ theo QĐ 37/2000/QĐ-TTg, có quy định các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy tính thương hiệu Việt Nam phải “đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 15% đối với các chủng loại máy tính khác nhau”. Tuy nhiên, đến nay vấn đề áp dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm máy tính như thế nào vẫn còn gây tranh cãi.

Các loại máy vi tính được trưng bày ở triển lãm Công nghệ thông tin tại HN

Theo Thông tư số 04/2001/TT-BCN của Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc thực hiện Quyết định (QĐ) 19/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung máy tính vào danh mục các sản phẩm công nghiệp trọng điểm được hỗ trợ theo QĐ 37/2000/QĐ-TTg, có quy định các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy tính thương hiệu Việt Nam phải “đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 15% đối với các chủng loại máy tính khác nhau”. Tuy nhiên, đến nay vấn đề áp dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm máy tính như thế nào vẫn còn gây tranh cãi.

Có một thực tế là các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy tính có thương hiệu ở nước ta hoàn toàn phải nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài, vì ở nước ta chưa có nền công nghiệp phần cứng. Như vậy, nếu áp dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa 15% đối với máy vi tính thương hiệu Việt Nam chỉ dựa vào các linh kiện phần cứng là không khả thi. Bởi lĩnh vực CNTT có những đặc thù riêng ở chỗ, giá trị sản phẩm chủ yếu nằm ở hai yếu tố cơ bản là công nghệ và thương hiệu, giá trị sản xuất chỉ chiếm từ 20% đến 30% giá trị của hàng hóa. Nếu áp dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa như các mặt hàng xe máy, ôtô và các mặt hàng điện tử khác cho sản phẩm máy vi tính để đượchưởngcác chính sách ưuđãi, liệu có phù hợp (?).

Theo ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCty Điện tử - Tin học Việt Nam (VEIC), nếu chỉ quan niệm nội địa hóa ở phần cứng thì hiện nay khó có đơn vị nào đạt được 5%. Mà máy vi tính là sản phẩm công nghệ cao, bao gồm cả phần cứng và phần mềm, chỉ chú trọng phần cứng là chưa đầy đủ. Vì vậy khi tính hàm lượng nội địa hóa máy vi tính thương hiệu Việt Nam cần chú ý đến khâu thiết kế cấu hình, lựa chọn vật tư, linh kiện phù hợp và phần mềm.

Ông Vũ Anh Tuấn, giám đốc điều hành Cty Mêkông Xanh cũng nói: “Đặt ra tỷ lệ nội địa hóa máy tính 15% vào thời điểm hiện nay là chưa hợp lý. Theo tôi, nên tính tỷ lệ nội địa hóa ở các dịch vụ, phần mềm, chế độ bảo hành, đặc biệt là thương hiệu mà doanh nghiệp đã xây dựng được. Bởi vì thương hiệu không chỉ là uy tín của doanh nghiệp, là chất lượng của sản phẩm mà còn làm cho giá trị thặng dư tăng lên”.

Còn ông Trần Nhật Quang, giám đốc Trung tâm Sản xuất và phân phối máy tính Elead (FPT): Tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất máy tính nên hiểu là phần giá trị gia tăng mà người Việt Nam đã đưa được vào máy. Đó là chất xám trong việc thiết kế máy, sự đầu tư của doanh nghiệpvào hệ thống sản xuất, dịch vụ và của thương hiệu.

Hiện một số doanh nghiệp máy tính hàng đầu hiện nay như: CMS, FPT Elead, Mekong Xanh, VTB...có những cách tính tỷ lệ nội địa hóa khác nhau dựa trên sự đầu tư vào dây chuyền sản xuất, chế độ bảo hành, thương hiệu. Nhưng nếu tính nội địa hóa bằng những cái cụ thể thì con số này chỉ đạt dưới 10% ở một số chi tiết như: thùng xốp, bàn di chuột, sách hướng dẫn sử dụng máy bằng tiếng Việt, đĩa mềm cứu nguy, một số phần mềm đã được Việt hóa, vẫn chưa đạt được chỉ tiêu 15% đề ra. Các doanh nghiệp cho rằng cần có sự thống nhất xác định tỷ lệ nội địa hóa một cách hợp lý đối với các chủng loại máy vi tính trong bối cảnh các doanh nghiệp đang ở bước khởi đầu của quá trình xây dựng thương hiệu máy tính Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích, chế độ ưu đãi để các doanh nghiệp trong nước hợp tác sản xuất, liên doanh, liên kết với các hãng máy tính nước ngoài dưới hình thức hợptác sản xuất, chuyển giao công nghệ để có thể từng bước xây dựng nền công nghiệp phần cứng trong tương lai.

Việt Nga
(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Cần xác định tỷ lệ nội địa hóa máy tính hợp lý

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.