(HNMO) - Thời tiết đang trong giai đoạn mùa mưa, khiến kiến ba khoang xuất hiện nhiều và xâm nhập vào nhà dân, tấn công vào vùng da chân, tay, cổ, sống lưng... người dân, gây tổn hại tới sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Chi Phương, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, chỉ riêng tháng 6-2020, bệnh viện tiếp nhận gần 200 ca bị viêm da tiếp xúc kích ứng do côn trùng, trong đó do kiến ba khoang chiếm phần lớn. Kiến ba khoang là loại côn trùng nguy hiểm, chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da), nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị chà xát hoặc bị giết.
Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N). Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng, đất bỏ hoang... Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm, nên chúng sẽ bay vào nhà dân, làm tổ và có thể đậu ở bất kỳ nơi nào từ quần áo đến chăn màn, chiếu gối, khăn mặt…
Vết thương do kiến ba khoang cắn thường xuất hiện ở các vùng da hở với vệt dài hoặc thành từng đám. Ban đầu là những nốt ban đỏ, rồi sưng lên thành mụn mủ có điểm lõm màu trắng vàng ở giữa. Nếu không được chăm sóc cẩn thận, có thể bị loét, làm rỉ dịch.
Đồng thời, vết thương thường đau rát, ngứa ngáy khó chịu. Bên cạnh đó, khi người bị kiến ba khoang bò lên cơ thể hoặc cắn, sẽ bị tổn thương da do tiếp xúc, nếu ngứa gãi quệt dịch tiết của kiến ra vùng da lành, nhất là các vùng nếp gấp, tình trạng tổn thương sẽ lan rộng.
Để phòng tránh dính độc tố của kiến ba khoang, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Chi Phương khuyến cáo, khi phát hiện kiến đang bám trên da, thay vì đập nát, giết chết con kiến, thì bình tĩnh thổi hoặc gảy cho kiến bay đi rồi dùng vật dụng khác xử lý con kiến.
Buổi tối nên tắt bóng đèn có ánh sáng xanh, tím, tốt nhất là dùng bóng đèn có ánh sáng đỏ, vàng để hạn chế kiến ba khoang ở bên ngoài bay vào nhà. Đồng thời, trước khi đi ngủ, nên kiểm tra kỹ giường, gối, chăn, chiếu; kiểm tra quần áo trước khi mặc; kiểm tra khăn trước khi rửa mặt...
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Chi Phương lưu ý, khi không may tiếp xúc hoặc bị kiến ba khoang cắn, cần lấy nước muối sinh lý hoặc nước vôi lỏng rửa chỗ kiến đốt. Khi rửa phải hết sức nhẹ nhàng, nếu không sẽ làm trầy xước hoặc vỡ vết thương và để yên tâm, mọi người nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.