Sức khỏe

Cẩn trọng với bệnh uốn ván

Thu Trang 24/02/2024 - 06:36

Trên địa bàn Hà Nội vừa ghi nhận ca mắc uốn ván thứ hai ngay trong đầu năm mới. Đây là bệnh cấp tính nguy hiểm với nguy cơ tử vong rất cao. Tuy nhiên, vì chủ quan, không ít người đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

tiem.jpg
Tiêm vắc xin phòng uốn ván tại Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Bệnh nặng mới nhập viện

Sau khi bị một vết thương phần mềm mặt trước 1/3 cẳng chân phải, cụ bà 92 tuổi ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) không tiêm phòng uốn ván vì cho rằng, vết thương không nghiêm trọng. Đến khi vết thương khô lại, đóng vảy, bệnh nhân khởi phát triệu chứng cứng hàm, khó há miệng... Nhưng phải đến 2 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân mới đến Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván. Do tuổi cao, không vào viện kịp thời nên tình trạng bệnh nặng hơn.

Trước đó, trên địa bàn Hà Nội cũng đã ghi nhận nam bệnh nhân 57 tuổi ở huyện Thanh Oai, làm nghề thợ xây mắc uốn ván. Khoảng 6 tháng trước, bệnh nhân được phẫu thuật xương gót chân trái. Do đi lại, vận động nhiều khiến vết mổ bị sưng nề. Ngoài ra, nam bệnh nhân cũng xuất hiện triệu chứng cứng hàm, nói khó. Kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm uốn ván giai đoạn toàn phát.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận 2 trường hợp mắc uốn ván, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh nào. Điều đáng nói, trong năm 2023, số ca mắc uốn ván trên địa bàn Hà Nội cũng gia tăng với 25 ca bệnh (tăng 2,5 lần so với năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra, từ 25% đến 90%; đặc biệt, uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có tỷ lệ tử vong trên 95%. Bệnh uốn ván khởi phát sau chấn thương, trung bình là 7 ngày; 15% số trường hợp khởi phát bệnh trong vòng 3 ngày và 10% khởi phát bệnh sau 14 ngày.

Còn theo bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, uốn ván gồm hai dạng chính, đó là uốn ván toàn thân và uốn ván cục bộ. Trong đó, đa phần bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván toàn thân. Triệu chứng thường gặp là căng cứng cơ hàm, bụng, vai, lưng, tay hoặc đùi… Tình trạng này kéo dài có thể gây rách cơ hoặc gãy xương. Uốn ván cục bộ hiếm gặp hơn, các triệu chứng thường xuất hiện tại các nhóm cơ gần vết thương hở. Bên cạnh triệu chứng căng cứng cơ và co giật, người bệnh còn có những biểu hiện khác như: Sốt cao, đau nhức đầu, bí tiểu hoặc cảm thấy nóng rát mỗi khi đi tiểu tiện…

“Về con đường lây truyền, uốn ván không lây giữa người với người nhưng lại rất dễ lây nhiễm qua vết thương hở. Nếu để vết thương hở tiếp xúc với đất, bụi bẩn, phân gia súc, gia cầm thì người bệnh sẽ phải đối mặt với rủi ro bị uốn ván cao. Ngoài ra, việc sử dụng các dụng cụ phẫu thuật không bảo đảm tiêu chuẩn tiệt trùng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm trùng, tạo điều kiện để trực khuẩn uốn ván phát triển. Mặt khác, thói quen dùng chung kim tiêm, kim xăm hoặc kim xỏ khuyên tai cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc uốn ván”, bác sĩ Vũ Thanh Tuấn lưu ý.

Chưa quan tâm đến việc tiêm phòng

Đề cập đến những biến chứng nguy hiểm của bệnh uốn ván, các chuyên gia y tế cho rằng, một trong những biến chứng dễ thấy của bệnh là co thắt hầu họng và thanh quản. Hiện tượng này khiến đường thở tắc nghẽn, bệnh nhân rất dễ bị sặc, trào ngược dạ dày. Trong trường hợp cơn co thắt cơ hô hấp kéo dài, người bệnh có nguy cơ ngừng thở và suy hô hấp. Đây là biến chứng khá nghiêm trọng, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Ngoài ra, còn một số biến chứng khác của bệnh như: Viêm phổi, viêm phế quản hoặc tắc nghẽn động mạch phổi…

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến nghị, biện pháp phòng bệnh uốn ván hiệu quả nhất hiện vẫn là vắc xin. Nhờ có vắc xin uốn ván mà tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này giảm đi đáng kể. Tại Việt Nam, giá của vắc xin uốn ván khá rẻ, khoảng 80-150 nghìn đồng/mũi. Trong khi mỗi ca điều trị bệnh uốn ván thường kéo dài, với chi phí khoảng 40-100 triệu đồng/ca. Thậm chí, không thể điều trị khỏi hoàn toàn các biến chứng do bệnh để lại mà sẽ mang theo di chứng đến suốt cuộc đời. Thế nhưng, do chủ quan, nhiều người không chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin uốn ván khi bị thương hay có vết thương hở, mà tự xử lý vết thương qua loa tại nhà hoặc đắp các loại thuốc lá theo kinh nghiệm dân gian. Hậu quả là khiến cho vết thương càng lở loét hơn và trực khuẩn uốn ván có cơ hội xâm nhập.

Do đó, để phòng bệnh, các bác sĩ cho rằng, tất cả mọi người (người lớn và trẻ em) đều cần được tiêm phòng uốn ván, đặc biệt là những người có nguy cơ mắc bệnh cao như: Phụ nữ có thai; người làm ruộng, vườn; người làm việc ở trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc, gia cầm; người dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại; công nhân xây dựng công trình; người làm kỹ thuật tiếp xúc với vật sắc nhọn; bộ đội và thanh niên xung phong… Để tạo miễn dịch cơ bản, người dân cần tiêm 3 mũi vắc xin, trong đó mũi tiêm thứ 2 sau mũi tiêm đầu tiên 1 tháng, mũi tiêm thứ 3 sau mũi tiêm thứ 2 là 6 tháng. Khi đã có miễn dịch cơ bản, cần tiêm nhắc lại 1 mũi vắc xin sau mỗi 5-10 năm để có miễn dịch bảo vệ bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng với bệnh uốn ván

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.