(HNMO) - Chiều 25-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, các đại biểu Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bảo đảm quyền của người bệnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (năm 2009), đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Vì thế, việc xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám chữa bệnh.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều, thêm 3 chương (chương VI, X, XI) so với Luật hiện hành. Để khắc phục những hạn chế, bất cập, trên cơ sở các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án Luật theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám chữa bệnh. Cùng với đó là tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh; tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại và đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.
Dự thảo luật quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám chữa bệnh, trừ các trường hợp sau đây: Người nước ngoài khám chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ hiện đang sinh sống, lao động, học tập tại Việt Nam; các chuyên gia quốc tế sang Việt Nam để khám, chữa bệnh nhân đạo hoặc đào tạo thực hành, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn và giao Chính phủ quy định việc sử dụng ngôn ngữ không phải là tiếng Việt.
Thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề còn ý kiến khác
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, song cần cân nhắc khi loại trừ “hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe”, trong đó bao gồm các hoạt động như “sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật và các can thiệp để hạn chế tỷ lệ mắc bệnh, tật” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật trong khi đây cũng là một trong các hoạt động khám chữa bệnh.
Về các vấn đề còn ý kiến khác nhau, tại Tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án về thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề cùng với các ưu, nhược điểm. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội tán thành với phương án 2, theo đó, Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện khác để cấp phép hành nghề vì cho rằng quy định như vậy là phù hợp, bảo đảm tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Về sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam (Điều 24), Tờ trình đưa ra hai phương án quy định về việc sử dụng ngôn ngữ. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Xã hội đồng tình với phương án 2 là giữ quy định hiện hành. Theo đó, trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch để hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám chữa bệnh đang sử dụng người nước ngoài. Để khắc phục các tồn tại hiện nay, cần xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 91), bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội thấy rằng, dịch vụ khám chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội. Do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá. Nhiều ý kiến trong Ủy ban thống nhất với quy định cho phép cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá nhưng cần bổ sung quy định nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ y tế khối tư nhân.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác trong Ủy ban thấy rằng, cần quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân để đảm bảo quyền của người bệnh.
Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành, đảm bảo tính phù hợp, toàn diện và khả thi theo tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TƯ và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ mười.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.