Chiều 10-11, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Các ý kiến đều tán thành cao với việc cần tạo cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với vai trò, vị thế đặc biệt của Thủ đô Hà Nội, đồng thời góp ý vào các nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
Bảo đảm tính ổn định cho Luật Thủ đô
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đánh giá dự thảo Luật có nhiều điểm mới, điểm sáng, thể hiện tâm huyết của toàn bộ hệ thống chính trị thành phố.
Đại biểu mong muốn từ nay đến khi dự thảo Luật được Quốc hội thông qua, Tờ trình sẽ được gia cố, nghiên cứu, bổ sung thêm những quy định đặc thù vượt trội gắn với Thủ đô Hà Nội để có những bước phát triển mạnh mẽ, đột phá hơn, phù hợp với với vị trí, vị thế địa lý chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô Hà Nội khác với nhiều địa phương khác.
Đóng góp ý kiến nhằm tăng tính khả thi trong thực hiện luật sau này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng nhiều quy định của dự thảo Luật còn chung chung, dẫn đến khó khăn trong khâu tổ chức thực hiện sau này. Do đó, hướng sửa đổi là dự thảo Luật phải tạo ra căn cứ pháp lý cho thực hiện, đặc biệt với những vấn đề về tài chính, kinh tế.
“Khác với quy định mang tính thí điểm, thử nghiệm, qua thực hiện sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá, Luật Thủ đô mang tính ổn định cao nên cần rà soát để mỗi quy định có độ ổn định, ít nhất phải trải qua quá trình 5 năm thực hiện rồi mới sửa đổi, bổ sung”, đại biểu góp ý.
Góp ý một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp Thủ đô, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần phải nhận thức rõ về quan điểm, mục tiêu ngành Nông nghiệp Hà Nội, không nhất thiết phải là tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để xuất khẩu hay cung cấp cho thị trường trong nước như các tỉnh, thành phố khác, mà quan trọng là cần cung cấp thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các sản phẩm giá trị cao cho thành phố. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng cao với hàm lượng khoa học cao cho các tỉnh lân cận.
Trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới: Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp vùng ven đô, nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô. Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển của nông nghiệp các tỉnh khác.
Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị nên nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý đất bề mặt hay tầng canh tác ở các vùng đất nông nghiệp được chuyển đổi sang mục đích khác để tránh làm lãng phí nguồn đất bề mặt có thể sử dụng trồng trọt vô cùng giá trị này; bổ sung quy định tỷ lệ cây xanh, mặt nước đối với các khu đô thị mới, bổ sung quy định rõ về duy tu, đưa ra quy định quản lý và phát triển nhằm tăng tỷ lệ cây xanh ở các khu đô thị đã hình thành…
Cần tạo khung khổ pháp lý mang tính bao trùm
Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu, Hà Nội đã có Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế cho thấy pháp luật về Thủ đô thời gian qua vẫn chưa đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước.
“Hà Nội là Thủ đô của cả nước, vì vậy, cần phải có những cơ chế quản lý, đầu tư khác biệt so với các địa phương khác. Từ đó, tôi cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải đặt ra một cơ chế thực sự đặc thù, tạo ra khung khổ pháp lý mang tính bao trùm lên cả hệ thống pháp luật, phục vụ cho yêu cầu phát triển Thủ đô ở mức cao hơn so với các địa phương khác”, đại biểu nêu.
Về điều kiện áp dụng luật trong Điều 4, đại biểu bày tỏ đồng tình là đối với những quy định của luật khác trái với Luật Thủ đô thì phải áp dụng Luật Thủ đô. Với những luật ban hành sau này có nội dung đòi hỏi Thủ đô phải tuân thủ thì phải ghi cụ thể vào trong luật, nếu không vẫn áp dụng Luật Thủ đô.
Cũng theo đại biểu, Thủ đô là đô thị đặc biệt, nên cần có thêm tiêu chuẩn cho người tham gia HĐND phải cao hơn, bởi vì phải giải quyết những vấn đề của quốc gia chứ không phải vấn đề của một địa phương. Đồng thời với việc trao quyền cho HĐND cũng phải trao quyền và trách nhiệm cho UBND.
“Khi bộ máy phải thực hiện các trọng trách lớn thì chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô cũng phải khác khác biệt. Chúng ta chỉ đưa ra mức quy định 0,8 lần, chỉ bằng một số địa phương khác thì tôi nghĩ có khi thấp. Do đó, quỹ tiền lương này phải tăng cao hơn. Với quỹ tiền lương như vậy thì mức chế độ tiền lương cho từng cá nhân là bao nhiêu, tôi đề nghị trong Luật Thủ đô không giới hạn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Góp ý kiến về chính quyền Thủ đô, nội dung được quy định tại Chương II, đại biểu - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhận định, dự thảo Luật đã tập trung phân cấp, giao quyền quy định trách nhiệm của Thủ đô. Để phát huy vai trò cộng đồng, HĐND, dự thảo đã quy định tăng số lượng đại biểu HĐND là cần thiết (125 đại biểu). Số lượng này so với bình quân cả nước là còn thấp hơn.
“Trong dự thảo đã đề cập đến chính quyền thành phố thuộc thành phố là cần thiết. Song các nội dung này còn nêu nhiều nguyên tắc chung, chưa đề cập chính sách đặc thù để phát huy vai trò mô hình chính quyền mới này. Ví dụ như vai trò lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, sử dụng tài sản công...”, đại biểu nêu và đề nghị tham khảo bài học kinh nghiệm từ thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết 98/2023/QH15 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Về trọng dụng nhân tài, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung một số nội dung cụ thể như bố trí ngân sách, ưu đãi trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm; ưu đãi trong chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ và trong bảo tồn di sản đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.