Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thiết thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học

Thanh Hiếu| 27/11/2022 12:08

(HNM) - Thời gian qua, tình trạng vận chuyển, mua bán, săn bắt, giết thịt các loài thú rừng vẫn diễn ra ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khiến nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Do vậy, để làm tốt công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã, cần thiết thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng với phóng viên Báo Hànộimới.

Khu nuôi nhốt hổ của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã được cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Hoàng Sơn

- Xin ông cho biết, xuất phát từ đâu mà Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội xây dựng Đề án thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn Hà Nội?

- Đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững đất nước, đặc biệt đối với sự phát triển của các ngành kinh tế nông nghiệp. Các nhà khoa học đã ghi nhận được ở Việt Nam có khoảng 11.000 loài thực vật có mạch, khoảng 800 loài rêu, 600 loài nấm, 275 loài thú, 828 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài ếch nhái, 1.028 loài cá nước ngọt, khoảng 2.500 loài cá biển và hàng chục nghìn loài động vật không xương sống khác… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những tác động tiêu cực của con người đã làm đa dạng sinh học ở Việt Nam bị suy giảm, số lượng các loài bị đe dọa gia tăng.

Thực trạng này đòi hỏi toàn xã hội phải có trách nhiệm bảo tồn đa dạng sinh học. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã xây dựng Đề án thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của thành phố Hà Nội. Cơ sở này đặt tại trung tâm, khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp tích cực trong công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học của Thủ đô và cả nước.

Theo đó, trung tâm sẽ đẩy mạnh các chương trình, mục tiêu đề ra, phát huy tiềm năng và cơ sở vật chất hiện có đối với công tác cứu hộ, chăm sóc, nghiên cứu và bảo tồn các loài động vật quý hiếm; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học cho người dân.

- Vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc, cứu hộ, bảo tồn của trung tâm hiện tại như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội có tổng diện tích 10.000m2. Cơ sở nuôi, lưu giữ, bảo quản mẫu vật của các loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ gồm 9 chuồng nuôi, diện tích 3.253m2. Cơ sở nuôi, nhốt cứu hộ các loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ gồm 5 chuồng, diện tích 818m2.

Đối với khu nhà điều trị có diện tích 190m2 với chức năng khám, điều trị bệnh và phục hồi sức khỏe cho các cá thể động vật, bao gồm: Phòng khám và điều trị với chức năng khám sức khỏe, làm xét nghiệm và điều trị bệnh cho động vật hoang dã được cứu hộ về trung tâm.

Hệ thống chuồng trại nhiều lần được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị khám, chữa bệnh cho vật nuôi đạt tiêu chuẩn, đáp ứng việc nuôi nhốt, bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý hiếm đang bảo tồn tại trung tâm...

- Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại trung tâm hiện chật hẹp, liệu có bảo đảm điều kiện thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học không, thưa ông?

- Đúng vậy, cơ sở vật chất chuồng trại của trung tâm khá chật hẹp, mới chỉ đáp ứng được nhu cầu bảo tồn một số loài động vật quý hiếm. Hiện nay, thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mở rộng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội lên 12ha và đồng ý tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ tại chỗ cũng như nuôi bán hoang dã các loài động vật tại đây. Như vậy sẽ đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc, cứu hộ, bảo tồn đa loài và bảo đảm điều kiện cho cơ sở đa dạng sinh học tại Hà Nội đi vào hoạt động.

- Bảo đảm an toàn cho động vật hoang dã luôn là nhiệm vụ được trung tâm đặt lên hàng đầu. Vậy, thành lập cơ sở đa dạng sinh học cần đáp ứng theo những tiêu chí nào, thưa ông?

- Trung tâm đóng tại xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), có điều kiện tự nhiên rất phù hợp, có đồi núi bao phủ bởi hệ thống cây xanh đa dạng và phong phú, yên tĩnh; khí hậu trong lành; giao thông thuận lợi; có tiềm năng lớn phát triển du lịch… là điều kiện tự nhiên thuận lợi trong việc xây dựng cơ sở bảo tồn động vật hoang dã tại đây.

Hơn nữa, về cơ sở vật chất, hiện nay, trung tâm đã xây dựng khu nhà cách ly kiểm dịch với chức năng nuôi nhốt các cá thể động vật mới tiếp nhận từ các cơ quan chức năng hoặc người dân tự nguyện giao nộp, hiến tặng nhằm tránh sự lây lan dịch bệnh. Xây dựng nhà chế biến thức ăn riêng biệt cho động vật có diện tích 154m2 luôn sạch sẽ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguồn thực phẩm cho động vật được cung ứng bởi công ty có uy tín.

Ngoài ra, hệ thống cung cấp nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống giao thông, cổng và tường rào luôn được bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, hợp lý. Dự kiến từ năm 2023 trở đi, trung tâm sẽ mở cửa đón các đoàn học sinh đến tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học…

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.