Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thêm kỹ năng mềm và ngoại ngữ

Khánh Vũ| 15/11/2016 07:23

(HNM) - Sức hút của Ngành Công nghệ thông tin (CNTT) những năm gần đây đã có xu hướng “nóng” trở lại với thị trường nhân lực của ngành tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, để thỏa mãn được yêu cầu của xã hội, ngành đào tạo CNTT phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về chất lượng.

Giờ học của sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.
Ảnh: Bá Hoạt



Vừa thừa, vừa thiếu

Ước tính đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng một triệu lao động Ngành CNTT. Tuy nhiên hiện tổng số nhân lực làm việc trong ngành này mới là hơn 440.000 người. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 nước hàng đầu tại Châu Á - Thái Bình Dương và nhóm 30 của thế giới về gia công và phát triển phần mềm. Trong năm 2014, TP Hồ Chí Minh xếp thứ 7 và Hà Nội xếp thứ 22 trong nhóm 100 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm. Dữ liệu của Công ty Tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks cũng cho thấy, số lượng việc làm nhóm Ngành CNTT tăng 47% mỗi năm nhưng lượng nhân lực của ngành chỉ tăng trưởng ở mức 8%.

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng Lê Kim Hùng cho biết: Hằng năm nhà trường cung cấp cho thị trường lao động khoảng 300 kỹ sư và 70 thạc sĩ CNTT. Con số này chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu của các đơn vị trên địa bàn. Trong khi đó, theo Hiệu trưởng Trường Đại học FPT Đàm Quang Minh, mức lương khởi điểm của sinh viên Ngành CNTT khi ra trường vào khoảng 8,3 triệu đồng. Cá biệt có người có mức lương 1.000 - 2.000 USD/tháng.

Hiện cả nước có gần 300 trường đại học, cao đẳng đào tạo Ngành CNTT với chỉ tiêu hàng chục nghìn thí sinh. Mùa tuyển sinh vừa qua, điểm chuẩn của Ngành CNTT ở các trường đại học vẫn ở mức cao. Thí sinh thi phải đạt 8,82/10 điểm để đỗ vào nhóm ngành này tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 3 năm gần đây nhất, điểm chuẩn của trường cho Ngành CNTT từ 21,5 đến 25/30 điểm. 12 ngành của Trường Đại học CNTT - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm nay có điểm chuẩn từ 20 đến 24 điểm.

Chỉ tiêu cho ngành này cũng thuộc nhóm cao. Điều này cho thấy sức hút cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành không thấp, nhất là các công việc như quản trị mạng, quản lý trang web, an ninh mạng, lập trình di động… Tuy nhiên, theo một khảo sát, chỉ có 15% sinh viên mới tốt nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, có tới 72% không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm. Trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp vẫn thất nghiệp thì các doanh nghiệp lại thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cần điều chỉnh môn thi?

Theo ông Đàm Quang Minh, vấn đề chất lượng đào tạo trước tiên thuộc về các trường đại học. Thách thức rất lớn với các trường là Ngành CNTT có đặc thù thay đổi rất nhanh. Do kiến thức dễ bị lạc hậu nên hầu hết những sinh viên học Ngành CNTT khi ra trường sẽ không sử dụng trực tiếp những kiến thức đã được đào tạo trong trường.

Tuy nhiên, trách nhiệm của các trường đại học là phải bảo đảm rằng sinh viên ra trường sẽ có việc làm đúng ngành học và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Để làm được điều này, các trường phải thường xuyên cập nhật chương trình học và cung cấp những kỹ năng tự học, học tập suốt đời để sinh viên ra trường luôn sẵn sàng với những thay đổi đang diễn ra. Riêng tại Trường Đại học FPT, tất cả giáo trình CNTT đều là giáo trình tiếng Anh, vì vậy người học cần có kỹ năng đọc tài liệu tiếng Anh cũng như tìm kiếm trên mạng.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh tới đầu vào của công tác đào tạo. Theo ông Thắng, cần điều chỉnh các môn thi tuyển sinh vào Ngành CNTT thành toán, lý, ngoại ngữ thay cho toán, lý và hóa như hiện nay. Bởi với Ngành CNTT, trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi quan điểm đào tạo cũng như đẩy mạnh chất lượng và định hướng đào tạo.

Sự hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo nhân lực cũng là giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực tài chính, đầu tư dài hạn cho các cơ sở đào tạo, thực hiện chính sách cho vay ưu đãi để giúp sinh viên nghèo trang trải học phí. Các nhà đầu tư sẽ không chỉ là người môi giới, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu xu hướng nhu cầu của thị trường nguồn nhân lực để xây dựng định hướng đào tạo phù hợp.

Để giúp sinh viên có kiến thức chuyên sâu, Hiệu trưởng Lê Kim Hùng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, chương trình đào tạo Ngành CNTT của nhà trường được chuyên môn hóa thành 3 chuyên ngành hẹp: Công nghệ phần mềm, Mạng và truyền thông, Hệ thống nhúng. Chương trình xây dựng từ việc tham khảo các chương trình đào tạo của những trường đại học lớn về CNTT trên thế giới, đồng thời kết hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam.

Nhà trường cũng thường xuyên mời các kỹ sư CNTT giỏi ở các doanh nghiệp đến để giảng dạy các môn chuyên đề, thực hiện các buổi hội thảo về các công nghệ mới trong lĩnh vực CNTT. Bên cạnh các giải pháp trên, tại một cuộc hội thảo về phát triển công nghiệp CNTT, đại diện Công ty WorkwithAnyone, Australia, rất chú trọng hình thức đào tạo nguồn nhân lực CNTT và làm việc qua mạng internet. Phương thức trực tuyến này được cho là một xu thế mới, có thể tạo nên một môi trường quốc tế thu hút được các nhân tài ở mọi nơi trên thế giới tham gia làm việc và giữ chân được họ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần thêm kỹ năng mềm và ngoại ngữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.