Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn thận khi sử dụng tiếng Việt

Người Lái Đò| 28/08/2016 07:02

(HNM) - Một biên tập viên văn học ở một tòa soạn lớn từng chia sẻ về chuyện sử dụng sai chính tả, từ ngữ, ngữ pháp, hay cách diễn đạt tiếng Việt "tối tăm" nhan nhản trong bản thảo của một số nhà văn được coi là lớn, của các nhà nghiên cứu văn học (NCVH) có học vị, học hàm cao.


Về chuyện này, lâu nay, mỗi khi trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp, người viết ít nhận được sự chia sẻ đúng nghĩa. Người thì bảo đừng kỹ tính, đừng khó tính quá, người lại cho rằng “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, rằng miễn sao mình hiểu được ý của người nói, người viết là được, rằng biết đâu người ta cố tình sử dụng như thế… Nhưng không thể chấp nhận những cách lý giải kiểu này! Bởi, một khi chắp bút, thì chí ít cũng phải “sạch nước cản” trong việc sử dụng tiếng Việt. Hơn nữa, sử dụng sai và sử dụng sáng tạo là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Một số nhà văn, nhà NCVH liên tục “quẳng” những status đầy lỗi tiếng Việt lên Facebook. Đành rằng có thể do người ta viết vội, viết trên máy điện thoại và chỉ là status chứ không phải là văn bản quy phạm…, nhưng nếu người viết có trách nhiệm với câu chữ của mình thì khi viết xong sẽ tự biên tập những gì mình viết, bởi một khi anh đã công khai sản phẩm câu chữ của mình, dù chỉ là trên mạng xã hội, thì cái sản phẩm ấy vô tình nói lên anh là ai, trình độ sử dụng ngôn ngữ của anh đến đâu…

Là nhà văn, nhà NCVH rõ ràng nên cẩn thận trong việc sử dụng câu chữ, bởi bạn đọc rất dễ coi sản phẩm viết của những “nhà” này là chuẩn mực. Khi những bài thơ, ca khúc mắc lỗi thừa từ lặp nghĩa kiểu như “Hôm qua còn theo anh/Đi ra đường quốc lộ” mà vẫn… “đi cùng năm tháng”, nó chứng tỏ rằng sự sai trong việc sử dụng tiếng Việt hoặc là không dễ nhận ra, hoặc là được cộng đồng dễ dãi bỏ qua.

Gần đây, việc Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định “truy tặng danh hiệu hội viên” cho một cố nhà thơ đã gây không ít bàn tán, trong đó có những ý kiến nhằm vào cụm từ “danh hiệu hội viên”. Hội viên của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có phải là “danh hiệu” không? Sự cẩn trọng khi sử dụng tiếng Việt là hết sức cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cẩn thận khi sử dụng tiếng Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.