Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn thận kẻo gặp “trái đắng”

Kim Vũ| 15/03/2018 07:01

(HNM) - Tin tưởng vào thông tin giới thiệu trên mạng xã hội Facebook, nhiều gia đình đã đăng ký tham gia các tour mà không ký hợp đồng, cam kết trách nhiệm trong cả chuyến đi.

Cần cẩn trọng khi tham gia các tour du lịch tự tổ chức. Ảnh: Linh Ngọc


Mua dây buộc mình

Chị Nguyễn Thị Hồng (quận Hai Bà Trưng) cùng con đã nếm trải cảm giác bị "đem con bỏ chợ" thế nào. Đầu năm 2018, chị Hồng đồng ý tham gia tour trải nghiệm Mộc Châu (Sơn La) với giá 1 triệu đồng/người cho 2 ngày, 1 đêm sau khi trao đổi với một cô gái trên Facebook tự giới thiệu có liên kết với công ty du lịch đứng ra tổ chức. Chuyến đi được tiến hành bằng hình thức tự tổ chức nhóm. Các gia đình đa phần không biết nhau, nhưng là thành viên của một số nhóm trên mạng xã hội.

Với sự tin tưởng lẫn nhau, các gia đình chuyển tiền cho trưởng đoàn mà không có hợp đồng, thỏa thuận, cam kết. Kết quả là chất lượng dịch vụ, ăn nghỉ không như quảng cáo: Không có nước nóng phục vụ nhu cầu sinh hoạt giữa tiết trời giá lạnh; chỗ ngủ thì chật chội, chăn đệm hôi bẩn... Nhiều chương trình dự kiến trong hành trình của khách hàng bị cắt xén, trẻ em mệt mỏi, chán nản...

Đó chỉ là một trong những "nạn nhân" của việc tổ chức tour tự phát. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trên mạng xã hội nở rộ tình trạng một số cá nhân, tổ chức và "gom" các thành viên cùng tham gia các chuyến du lịch trải nghiệm. Chẳng hạn, các phụ huynh của một lớp hay một trường học thường tìm một trưởng đoàn để đưa các con đi khám phá thiên nhiên, dã ngoại ở các khu sinh thái, khu du lịch mới với mức giá dao động từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/người.

Chị Nguyễn Thị Liên, ngõ 282 Đội Cấn (quận Ba Đình) cho biết, lớp học của con chị thường tổ chức đi dã ngoại để trải nghiệm, tìm hiểu thiên nhiên, học các kỹ năng sống. Vì thế, chị thường tìm hiểu ở các khu vực có suối, đồi núi hoặc điểm du lịch mới để các con có cơ hội khám phá. "Tuy nhiên, qua một số trường hợp đi tour tự phát không đạt chất lượng như mong muốn, nên tôi thực sự không yên tâm khi trao niềm tin cho một người chỉ mới quen biết trên mạng xã hội. Đặc biệt, tại điểm có đồi núi nguy hiểm, mới được khai thác mà không có hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nếu xảy ra vấn đề gì thì không biết xử trí thế nào".

Cần tự tạo "giá đỡ"

Trong 2 năm trở lại đây, khi trào lưu liên kết với nhau qua mạng xã hội nở rộ, mọi người ở các vùng miền khác nhau cũng trở thành bạn bè. Nhiều nhóm kín được thiết lập để chia sẻ kinh nghiệm. Các nhóm như Du lịch tự túc, Cộng đồng du lịch, du lịch tự do, cho trẻ ra ngoài chơi... thu hút hàng nghìn người tham gia. Tuy nhiên, vì dễ làm quen, dễ tin tưởng nên chất lượng cũng... dễ dãi. Bức xúc về chất lượng chuyến đi không đúng như hứa hẹn, nhưng chị Nguyễn Thị Hồng buộc phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì do chính mình lựa chọn. Tuy nhiên, qua đây chị cũng muốn cảnh báo với các gia đình, cần cẩn thận trong lựa chọn dịch vụ và đối tác...

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoa, quản lý một công ty du lịch uy tín ở Hà Nội cho biết, trong mỗi chuyến du lịch, dù là tự tổ chức hay thông qua một cá nhân, tổ chức nào, cũng cần phải tìm hiểu các nguồn thông tin khác nhau về nơi mình định đến qua bạn bè, người thân, qua các trang web du lịch chính thống để tránh rơi vào tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó".

"Thông thường, khi có khách hàng đăng ký tour, công ty tôi phải lên chương trình cụ thể về: Giá cả, lịch trình, các bữa ăn, lưu trú, vui chơi... Đặc biệt, chúng tôi phải ký hợp đồng du lịch, trong đó không thể thiếu phần bảo hiểm du lịch, phí môi trường, phí giám sát và một số ràng buộc khác", bà Hoa khẳng định.

Còn ông Vũ Tuấn Phong, Tổng Thư ký Câu lạc bộ Du lịch Hà Nội cho biết: Du lịch tự túc khiến các gia đình chủ động hơn trong chuyến đi của mình. Tuy nhiên, tự túc không có nghĩa là cứ thích đi là đi, cần phải cẩn thận hơn vì không có "giá đỡ" là các công ty du lịch. Vai trò của người trưởng đoàn lúc này rất quan trọng, phải có kinh nghiệm tổ chức, tính hết các yếu tố phát sinh rủi ro trong hành trình, lường hết được bất trắc có thể xảy ra để lên phương án dự phòng.

Ông Vũ Tuấn Phong cũng khuyến cáo khách du lịch nên yêu cầu trưởng đoàn công khai địa điểm tham quan, công khai số điện thoại nơi ở, chương trình ăn uống, vui chơi... để có thể kiểm tra tính xác thực. Và đặc biệt, cần phải ký kết hợp đồng giữa hai bên để bảo đảm quyền lợi.

Ở nhiều nước trên thế giới, khi quyết định du lịch dù qua công ty hay tự túc, du khách thường hỏi tỉ mỉ về giá trị bảo hiểm cũng như quyền lợi được hưởng nếu chẳng may xảy ra sự cố. Đây chính là hành động bảo đảm nhất cho quyền lợi mỗi người. Thiết nghĩ, chính mỗi gia đình, cá nhân phải suy xét kỹ lưỡng, đừng quá ham giá rẻ mà bỏ qua các yếu tố khác như chất lượng dịch vụ và khả năng bảo đảm an toàn của đối tác. Đó chính là "giá đỡ" tốt nhất cho mỗi con người trong các hành trình du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn thận kẻo gặp “trái đắng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.