Theo Thông tư 26 ngày 28-5-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hướng dẫn thi hành Nghị định số 18/CP của Chính phủ về “Quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT), đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch môi trường”, dịch vụ rửa xe là cơ sở kinh doanh có sử dụng nước và có xả nước thải ra môi trường.
Một điểm rửa xe trên địa bàn quận Cầu Giấy.Ảnh: Phương Nhung |
Theo đó, chủ cơ sở kinh doanh phải lập đề án BVMT đơn giản, có hồ sơ trình UBND cấp quận, huyện để đăng ký. Ngoài ra, theo Điều 100 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Thế nhưng trên thực tế, có rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ rửa xe không thực hiện nghiêm các quy định trên.
Thực tế tại rất nhiều cửa hàng rửa xe máy, ô tô, toàn bộ lượng đất thải, nước rửa hòa lẫn bọt xà phòng được thải lênh láng ra vỉa hè, thậm chí cả lòng đường, rồi chảy thẳng xuống hệ thống cống thoát nước chung mà không qua bất cứ một khâu xử lý nào. Ngoài gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến văn minh đô thị, việc xả thải kéo dài của các cơ sở rửa xe khiến nhiều tuyến cống bị tắc nghẽn bởi đất, cát phát sinh trong quá trình rửa xe không được các chủ cơ sở gom lại. Không những vậy, nhiều điểm rửa xe còn gây cản trở, mất an toàn đối với người và các phương tiện khi tham gia giao thông.
Có thể nói, hiện nay việc quản lý các cơ sở rửa xe chưa được chính quyền các cấp quan tâm. Việc xử lý mới dừng lại ở xử phạt hành chính vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; còn xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về BVMT ít được thực hiện. Để quản lý tốt loại hình dịch vụ này, đồng thời hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm do dịch vụ này gây ra, đã đến lúc chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm nếu vi phạm các quy định về BVMT, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.