(HNM) - Công tác xã hội công đoàn (CTXHCĐ) là một mô hình hoạt động đặc thù trong chuỗi hoạt động của tổ chức CĐ Hà Nội, nhằm chăm lo, hỗ trợ CNVCLĐ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ, nhất là CNLĐ ở các KCN.
Đã thành nếp từ mấy năm nay, vào những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, hàng vạn CNLĐ ở các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) nói chung và CNLĐ ở KCN Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) nói riêng lại hân hoan, phấn khởi, chờ đón được thưởng thức những sự kiện văn hóa, văn nghệ hoặc được tham gia các hoạt động tư vấn pháp luật, tư vấn sức khỏe, mua hàng hóa giá gốc...
Công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long mua hàng bình ổn giá. Ảnh: Kỳ Anh
Đây là những chương trình trong khuôn khổ hoạt động công tác xã hội của tổ chức CĐ, mang đến những niềm vui, kiến thức thiết thân với đời sống của CNLĐ. Chủ tịch CĐ Công ty Canon Hà Việt Phương cho biết, các hoạt động CTXHCĐ giờ đây đã rất quen thuộc với CNLĐ ở đây, bởi những hoạt động này luôn mang đến kiến thức bổ ích cho họ, nên CNLĐ rất tự giác tham gia. Công nhân Nguyễn Thúy Lan, Công ty Canon xúc động nói: Từ nhỏ tới giờ, em chưa bao giờ quan tâm đến sức khỏe sinh sản, cũng chưa bao giờ đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe sinh sản, may mà chưa có bệnh tật gì, nhưng qua những tài liệu và được tư vấn hôm nay, em đã biết cách tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm bệnh tật.
Thực tế, CTXHCĐ Thủ đô "nở rộ" từ năm 2008, đây là thời điểm các cấp CĐ của TP nỗ lực đưa mục tiêu: "CĐ hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy người lao động làm đối tượng vận động" của Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam vào cuộc sống. Bắt đầu cho chuỗi hoạt động này, LĐLĐ TP đã chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình "Mái ấm CĐ", hỗ trợ những CNVCLĐ đặc biệt khó khăn về chỗ ở với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/1 nhà và sau đó, tăng lên 25 triệu đồng/mái ấm. Tính đến nay, đã có 185 mái ấm CĐ, tương đương với 3 tỷ 187 triệu đồng. Song song với đó, LĐLĐ TP thành lập Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo, sau gần 3 năm, với nguồn vốn ban đầu 20 tỷ đồng, đến nay quỹ này đã giải ngân trên 81 tỷ đồng, giúp hơn 8 nghìn CNVCLĐ khó khăn được vay vốn 10 triệu đồng/người, với lãi suất chỉ 0,65% để tăng gia sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Ngoài chăm lo đời sống vật chất, các cấp CĐ quan tâm nâng cao đời sống tinh thần CNLĐ. "Điểm nhấn" của CTXHCĐ Thủ đô là sự ra đời của Trung tâm CTXHCĐ nhằm thúc đẩy xã hội hóa hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho NLĐ, làm công tác từ thiện trợ giúp CNVCLĐ khó khăn và con CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt; tuyên truyền phòng chống tệ nạn trong CNVCLĐ và thực hiện trách nhiệm xã hội của DN. Theo đó, hằng năm, Trung tâm CTXHCĐ tổ chức hàng chục chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tư vấn pháp luật, hội chợ bán hàng giá gốc… giúp công nhân mở mang kiến thức, có cơ hội tiếp cận điều kiện sống tốt hơn.
Cần thêm trách nhiệm của DN
Tuy đạt được kết quả khả quan, mang lại niềm vui cho NLĐ, nhưng nếu so sánh với thực tế nhu cầu cần trợ giúp của CNLĐ khó khăn cũng như nhu cầu hưởng thụ các thiết chế văn hóa của CNLĐ tại các KCN vẫn còn một khoảng cách khá xa. Cụ thể là, số CNVCLĐ được hỗ trợ tặng "Mái ấm CĐ" mới chỉ như "muối bỏ bể" so với hàng ngàn, hàng vạn CNLĐ khó khăn, không có nhà ở hoặc nhà ở dột nát, cần giúp đỡ. Số CNLĐ được vay vốn cũng quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế, bởi lúc nào tại quỹ trợ vốn cũng có hàng nghìn đơn của CNVCLĐ nghèo xếp hàng chờ được vay vốn sản xuất, kinh doanh cải thiện cuộc sống.
Nói về nguyên nhân của sự hạn chế trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP chia sẻ: CTXHCĐ tuy mang lại lợi ích thiết thân với CNLĐ, nhưng vẫn còn nhiều CNLĐ chưa được thụ hưởng, lý do chủ DN không tạo điều kiện, hoặc CNLĐ không bố trí được thời gian, công việc. Một số đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện CTXHCĐ chưa nhiệt tình tham gia và chưa làm hết trách nhiệm. Khó khăn nữa là vấn đề kinh phí hoạt động. Bà Hà nêu ví dụ, một buổi tư vấn cho CNLĐ tại DN được duyệt chi 600 nghìn đồng, số tiền không đủ cho chi phí mời chuyên gia, phí đi lại của cán bộ. Còn một buổi diễn văn nghệ phục vụ công nhân KCN tốn kém cả chục triệu đồng, nhưng kinh phí được cấp chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu. "Rào cản" nữa khiến CTXHCĐ chưa đạt hiệu quả cao là người sử dụng lao động chưa tạo điều kiện để CNLĐ được thụ hưởng lợi ích từ CTXHCĐ, không ít DN gây khó dễ với việc tổ chức tư vấn pháp luật cho công nhân tại DN, hoặc cố tình "lờ" trách nhiệm tạo điều kiện để CĐ cơ sở tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ cho NLĐ.
Để duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của CTXHCĐ, ngoài việc quan tâm của các cấp, ngành cùng với CĐ chăm lo, tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với nhiệm vụ phối hợp cùng CĐ triển khai các hoạt động xã hội hướng về người lao động. Đồng thời, cần có chế tài cụ thể như hạ thi đua đơn vị nào không tích cực thực hiện CTXHCĐ, quy trách nhiệm người đứng đầu đối với nhiệm vụ này…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.