Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự thống nhất giữa UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT

Nguyễn Đức - Quốc Bình| 09/11/2011 06:51

Đề xuất xây dựng 9 điểm đỗ xe cao tầng (HNM) - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho biết như vậy tại buổi họp báo thông báo về tình hình hoạt động của bộ chiều 8-11. Trả lời phỏng vấn, ông Hùng khẳng định không có mâu thuẫn giữa UBND thành phố Hà Nội và Bộ GTVT về việc điều chỉnh giờ học, làm việc.


Ảnh: NLĐ

Cả hai cơ quan đều xác định nhóm đối tượng cần điều chỉnh giờ học, làm việc như nhau với mục đích góp phần giảm ùn tắc vào giờ cao điểm. Việc điều chỉnh giờ học, làm việc có thể thực hiện sớm, không tốn kém nhằm giảm áp lực giao thông ở thành phố. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng khẳng định, điều quan trọng nhất là sự thống nhất giữa hai bên trong việc cần phải thực hiện việc điều chỉnh, nhóm đối tượng cần điều chỉnh. Việc đưa ra nhiều phương án giãn cách cũng sẽ giúp có thêm sự lựa chọn. Đây mới chỉ là những đề xuất và Chính phủ sẽ xem xét, lựa chọn thời gian điều chỉnh phù hợp.

*Trong khi đó, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức ngày 8-11, ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, việc thay đổi giờ học, giờ làm việc theo đề xuất của UBND TP Hà Nội sẽ giúp nới rộng khoảng giờ cao điểm thêm 1 giờ. Điều này sẽ giúp giảm tải cho xe buýt. Transerco cũng đề xuất thêm hai biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của xe buýt là bố trí đường riêng cho phương tiện này và bổ sung xe, trong đó có loại xe buýt nhanh (ít điểm dừng). Hiện nay, có khoảng 200 nghìn người dùng vé tháng xe buýt. Theo ông Nguyễn Trọng Thông, phần lớn số người này đi xe buýt vào giờ cao điểm, trong khi số lượng xe của Transerco chưa đến một nghìn, nên tình trạng quá tải là khó tránh khỏi (quá tải hơn 200%).

Liên quan đến chất lượng dịch vụ, Phó Tổng Giám đốc Transerco cho biết, trước mắt tổng công ty sẽ tập trung tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe, nhân viên bán vé. Từ nay đến cuối năm 2011, tổng công ty sẽ tập trung giải quyết những bức xúc về chất lượng dịch vụ; đặc biệt là hiện tượng trộm cắp, móc túi ở các điểm trung chuyển và trên xe giờ cao điểm, chiếm dụng điểm dừng, nhà chờ và hiện tượng xe bỏ bến, nhân viên vô lễ với hành khách…

*Sở GTVT Hà Nội vừa trình UBND TP phê duyệt đề án nghiên cứu, sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng ở thành phố đến năm 2020. Đề án phát triển mạng lưới giao thông tĩnh được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, phù hợp quy hoạch chung xây dựng thành phố. Các bến xe liên tỉnh hiện có như Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình được giữ lại để hỗ trợ cho các bến xe liên tỉnh mới kết hợp phục vụ vận tải hành khách công cộng. Các bến xe liên tỉnh xây mới được bố trí chủ yếu ở ngoài đường Vành đai III. Tại nội đô sẽ phát triển bãi đỗ xe ngầm, cao tầng, bãi đỗ xe áp dụng công nghệ lắp ghép hiện đại... Trước mắt, Sở GTVT đề xuất xây dựng thí điểm 20 điểm đỗ xe cao tầng tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 kêu gọi đầu tư 9 điểm đỗ xe cao tầng; giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đầu tư thêm 11 điểm. Ngoài ra, sẽ thí điểm xây dựng một số điểm dừng đón, trả khách đi taxi có điều hành tại các trung tâm thương mại, bệnh viện lớn, nhà ga đầu mối… Hiện nay, ở thành phố có 1.178 điểm đỗ, bãi đỗ xe có phép với tổng diện tích 42,92ha, chiếm khoảng 56,94% diện tích đất dành cho giao thông tĩnh. Tuy nhiên, các điểm đỗ, bãi đỗ xe công cộng này mới chỉ đáp ứng được từ 8% đến 10% nhu cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần sự thống nhất giữa UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.