(HNM) - Cuộc gặp gỡ, thảo luận quy mô toàn quốc
Ủy viên BCT, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, đã đến dự. Qua hơn 60 tham luận và 21 ý kiến phát biểu trực tiếp, các văn nghệ sĩ đã không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ của mình trước hoạt động sáng tạo về một đề tài được coi là vĩnh cửu trong VHNT, nhưng cũng nóng bỏng tính thời sự. Tâm huyết của các đại biểu đã vượt lên những tranh luận về một hoạt động sáng tác văn nghệ thông thường.
Hình ảnh Hà Nội xưa được tái hiện qua nhiều tác phẩm sân khấu và điện ảnh.
Vì sao phải trở lại với đề tài lịch sử?
Phát biểu đề dẫn của Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TƯ Hồng Vinh nêu rõ: Hội thảo nhằm góp sức thực hiện hiệu quả những yêu cầu đặt ra đối với VHNT trong Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X). Qua đây nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức lý luận cũng như đánh giá bản chất tình hình sáng tạo VHNT về đề tài lịch sử; nêu ra những giải pháp thiết thực, góp sức thúc đẩy quá trình sáng tạo về chủ đề đặc biệt này.
PGS - TS Phan Trọng Thưởng đã mở đầu cuộc thảo luận với một nhận định không thể khác: Lịch sử là một trong những đề tài vĩnh cửu của VHNT. Đã từng có không ít những cuộc bàn thảo về sáng tạo VHNT về đề tài này, song cuộc hội thảo này đặc biệt đáng chú ý, bởi nó diễn ra trong bối cảnh đất nước nằm trong trường tác động mạnh mẽ của các vấn đề quốc tế, khu vực. Những câu chuyện về chủ quyền, an ninh quốc gia đang trở thành vấn đề lớn, thách thức bản lĩnh dân tộc. Trở lại với đề tài này, khơi lại nguồn mạch lịch sử để sáng tạo những tác phẩm VHNT có sức hấp dẫn, truyền cảm, phát huy sức mạnh tinh thần và ý chí của dân tộc là một sứ mệnh thiêng liêng của VHNT trước Tổ quốc.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong bản tham luận của mình nêu rõ: "Phải coi đầu tư cho VHNT về đề tài lịch sử là đầu tư chiến lược để xây dựng nền văn hóa vì sự tồn tại và phát triển bền vững của dân tộc". Cùng suy nghĩ với ông, đạo diễn Hải Ninh coi phim lịch sử và các loại hình VHNT khác về đề tài này như một vũ khí sắc bén, một sự khai thông trí lực của lịch sử dân tộc.
Hư cấu tới… chân thực
Có một nguyên tắc chung không phải bàn thảo nhiều đối với người viết chân chính là VHNT về đề tài lịch sử không phải sự bê nguyên nhân vật, sự kiện vào tác phẩm. Những người làm nghề cũng không bao giờ chấp nhận lối viết phỉ báng dân tộc, xúc phạm các danh nhân, anh hùng của đất nước. Vấn đề đáng bàn chỉ là công việc sáng tạo ấy cần được thực hiện thế nào cho hiệu quả. Thường thấy, mấu chốt gây tranh luận nhiều nhất trên các diễn đàn VHNT về đề tài lịch sử là hư cấu đến đâu thì đủ. Tuy nhiên, vấn đề được đề cập tại hội thảo là một trong những điều cốt yếu có ý nghĩa bao quát, hơn cả vấn đề hư cấu trong sáng tạo về đề tài này ấy chính là mấy chữ: thông điệp của tác phẩm! Thông điệp cũng chính là tinh thần, tư tưởng của văn nghệ sĩ khi chuyển tải qua tác phẩm. Một tinh thần soi chiếu, giải mã lịch sử mà như nhà văn Hoàng Quốc Hải lên tiếng là phải "gạn đục khơi trong, không được đem tà tâm vào ngòi bút". Với tinh thần ấy, văn nghệ sĩ cộng thêm tài năng của mình đương nhiên sẽ biết điều tiết sự hư cấu tối đa để đi tới… chân thực. Nhà văn áo lính Uông Triều, một người trẻ trong quá trình ngược dòng lịch sử để "nhận mặt ông cha mình" đã chân thành: "Hư cấu trong văn chương là không giới hạn, nhưng với đặc trưng "kép" của tiểu thuyết lịch sử thì giới hạn của hư cấu chính là cốt lõi lịch sử mà nhà văn sử dụng". Anh bày tỏ, mục đích khi hư cấu không phải là mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về lịch sử mà là nhằm gia tăng chiều sâu cho cái nhìn đó.
Cảnh trong bộ phim lịch sử cổ trang “Tây Sơn hào kiệt”.
Tinh thần ấy, tư tưởng ấy cũng chỉ nảy nở trên nền tri thức, mà nói như nhà phê bình Nguyễn Hòa là muốn sáng tác về đề tài này, vốn sống chưa đủ, cần tự tạo lập một "phông" văn hóa - lịch sử rộng, sâu và phải trở thành người khảo nghiệm lịch sử để từ đó hình thành ý tưởng sáng tạo. Thiếu ý tưởng sáng tạo đồng nghĩa với việc tác phẩm thiếu khả năng "tải" một giá trị tư tưởng - thẩm mỹ có thể in dấu vào thế giới tinh thần của người tiếp nhận.
Phải từ những chuyển động cụ thể
Nhà văn Võ Thị Hảo thẳng thắn nêu rõ "có giới hạn bất thành văn khiến cho những bài học lịch sử chậm được nhận thức, làm lệch quy chuẩn nền tảng nhân tính". Có thể hiểu như đây cũng là một lời kiến nghị về việc tiếp tục tạo một không khí sáng tạo thuận lợi tối đa cho văn nghệ sĩ. Hay cụ thể hơn, như đạo diễn Đặng Nhật Minh thì: "Đến bao giờ có sự chuẩn bị đầy đủ để làm phim khi chẳng có chuyển động gì thúc đẩy cho nó thành hiện thực. Tôi quả quyết rằng, trong kho phục trang của các hãng phim truyện ở ta, một chiếc áo thụng của vua quan phong kiến gần nhất là triều Nguyễn cũng chẳng tìm đâu ra, chứ đừng nói tới cả một kho phục trang cổ thuộc đủ các triều đại". Ông nhận xét, các hãng có xưởng phim chuyên về đề tài thanh niên, thiếu nhi, miền núi… nhưng chưa hề có xưởng phim chuyên về đề tài lịch sử… Nhiều nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh, nghệ sĩ sân khấu… khác đều chia sẻ. Đề tài lịch sử đang trở thành nỗi băn khoăn thời sự nhất trong hoạt động sáng tạo của họ hiện nay. Và vấn đề chung cũng là cần có những bước đi cụ thể.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã bày tỏ sự đồng tình cao với vấn đề hội thảo đặt ra, đồng thời phân tích khẳng định những vùng sáng tạo tự do của nghệ sĩ trên nền những nguyên tắc chung của tôn trọng sự thật lịch sử.
Phát biểu cùng các văn nghệ sĩ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh khẳng định: Hiểu biết lịch sử dân tộc để tiếp nhận và góp phần tô thắm thêm những giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam vừa là nghĩa vụ, tình cảm, vừa là đạo lý làm người Việt Nam hôm nay. Trở về với lịch sử, để thể hiện một cách trung thực sinh động, hấp dẫn, để khám phá những vấn đề sâu sắc của lịch sử, của con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ lớn lao của VHNT nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.