(HNM) - Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng, cuộc sống của người khuyết tật (NKT) những năm qua không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của xã hội, NKT vẫn thuộc diện rất nghèo. Chính vì vậy, họ rất cần sự chung tay tiếp sức từ cộng đồng.
Dạy nghề thêu cho người khuyết tật tại Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa. Ảnh: Bảo Lâm |
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nước ta có 6,7 triệu NKT, trong đó khoảng 60% NKT đang ở độ tuổi lao động. Phần lớn NKT sống ở nông thôn với cơ sở hạ tầng, điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn. Để bảo đảm cho NKT thực hiện được quyền bình đẳng và tham gia vào các hoạt động của cộng đồng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình trợ giúp NKT, đặc biệt là về đào tạo nghề, tạo việc làm… để họ có điều kiện tốt hơn trong hòa nhập cộng đồng và nâng cao mức sống.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, số NKT được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của Luật NKT ngày càng tăng. Năm 2010, số NKT được hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng là 395.000 người, năm 2012 tăng lên 576.000 người, năm 2014 là 796.521 người, đến hết tháng 9 năm 2015 là 760.000 người. Số hộ gia đình được hưởng trợ cấp chăm sóc NKT hằng tháng tại cộng đồng cũng tăng lên, năm 2011 có hơn 8.000 hộ, đến năm 2012 tăng lên hơn 9.500 hộ, năm 2013 là 11.000 hộ…
Cùng với các chính sách hỗ trợ NKT, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng đã chung tay trợ giúp NKT cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua các dự án đào tạo nghề và tạo việc làm. Trong vòng 4 năm (2012 - 2015), Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã hỗ trợ, giúp đỡ được hơn 2,3 triệu NKT (vay vốn phát triển kinh tế gia đình, cung cấp bò giống, dạy nghề, tạo việc làm…). Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế - xã hội và việc làm cho NKT" dạy nghề và tạo việc làm cho 800 NKT ở 6 tỉnh, thành phố.
Hội Người mù Việt Nam quản lý 45 tỷ đồng vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã hỗ trợ hơn 36.000 lượt hội viên nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Tổ chức phi chính phủ thuộc Hội đồng Công đoàn Australia, Tổ chức Nhân dân Australia vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại (APHEDA) triển khai dự án "Việc làm bền vững và tăng vị thế cho NKT cộng đồng" đào tạo các nghề thủ công mỹ nghệ, may, mộc, làm chổi, vàng mã cho 263 NKT, trong đó 85% học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp…
Nhờ được "tiếp sức" nên không ít NKT đã vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như anh Tạ Đình Hán, bị khiếm thị, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau khi học nghề tẩm quất, anh đã đứng ra thành lập cơ sở tẩm quất ở 17 Ngõ Gạch, phường Hàng Buồm. Dưới sự giúp đỡ của Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, anh đã được hỗ trợ vay vốn mở thêm cơ sở nữa ở 150 phố Vọng Hà, quận Hai Bà Trưng. Hiện anh đang là chủ của 4 cơ sở tẩm quất, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động...
Còn anh Quách Đức Mạnh, bị liệt hai chân, ở xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội sau khi được tiếp cận với nguồn vốn vay, anh đã mạnh dạn thuê địa điểm mở xưởng mộc chuyên sản xuất đồ thờ. Hiện xưởng mộc của anh có 10 lao động với mức thu nhập từ 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng… Ông Tạ Văn Thái, ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc bị liệt nửa người sau tai nạn, sức khỏe yếu. Được Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Vĩnh Phúc cho vay 6 triệu đồng không lãi suất để mua bò sinh sản, ngay trong năm đầu tiên, con bò của ông đã sinh được một chú bê con. Bán chú bê con này đi, gia đình ông có thêm vốn để mở rộng chăn nuôi nhím, gà... Năm 2015, gia đình ông Thái đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.
Mặc dù đã có nhiều cải thiện tuy nhiên cuộc sống của NKT vẫn còn rất khó khăn. Hiện mới chỉ có hai nhóm đối tượng NKT nặng và đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp bảo trợ hằng tháng và các chính sách khác, còn đối với nhóm khuyết tật bình thường vẫn chưa được cấp thẻ NKT nên gặp nhiều trở ngại trong việc học nghề, tìm việc làm. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, mới có hơn 12% NKT được học nghề. Số NKT có việc làm lại không ổn định, làm các công việc tạm thời, lao động chân tay ở trong các tổ chức, cơ sở mang tính nhân đạo. Rất ít người tìm được việc làm ổn định trong các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp hoặc các công việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ chuyên môn…
Hiện cách nhìn nhận của xã hội đối với NKT đã có sự thay đổi từ chỗ tiếp cận theo nghĩa từ thiện, nhân đạo sang việc bảo đảm quyền của NKT. Tuy nhiên, để NKT cải thiện được chất lượng cuộc sống, thực sự hòa nhập với cộng đồng vẫn rất cần sự chung tay góp sức nhiều hơn nữa của toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.