(HNMO) - Việc cháu bé 17 tháng tuổi tử vong khi gửi tại một nhóm lớp chưa được cấp phép ở huyện Thường Tín một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với cha mẹ trẻ và cơ quan chức năng về nguy cơ không an toàn của trẻ. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp cá biệt trong tổng số gần 2.500 nhóm lớp mầm non độc lập của thành phố. Hà Nội đã và đang tiếp tục có nhiều giải pháp để tăng cường nền nếp trong quản lý, hạn chế tối đa tai nạn thương tích cho trẻ. Trao đổi với Báo Hànộimới ngày 9-3, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định điều này.
- Xin ông cho biết tình hình phát triển mạng lưới mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay?
- Năm học 2022-2023, toàn thành phố có 1.147 trường mầm non, trong đó có 807 trường công lập (tăng 5 trường so với năm trước), 340 trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có 2.461 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tổng số trẻ mầm non đang được chăm sóc tại các cơ sở là hơn 510.000 trẻ, trong đó, tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 100%, tỷ lệ trẻ khuyết tật được học hòa nhập được quan tâm đạt hơn 78%. Kết quả này có sự đóng góp tích cực của hệ thống cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ đa dạng của nhân dân.
- Sau hai năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình hoạt động của hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập hiện giờ ra sao, thưa ông?
- Sau hai năm tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục mầm non đã khôi phục hoạt động, song vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như khó khăn về kinh phí, thiếu giáo viên, nhân viên. Trong khi đó, nhu cầu gửi trẻ của người dân trên địa bàn thành phố ngày càng tăng và đa dạng nhu cầu theo điều kiện đưa đón, dịch vụ đáp ứng hoặc công việc của cha mẹ, vì vậy, nhiều cơ sở giáo dục mầm non độc lập đã đáp ứng được nhu cầu này, trong khi hệ thống trường mầm non công lập dù đã phát triển song chưa đáp ứng được, đặc biệt là tại các địa bàn đông dân cư, nơi có khu công nghiệp.
- Sự việc đáng tiếc vừa xảy ra ở huyện Thường Tín cho thấy công tác quản lý nhóm lớp độc lập còn chưa thực sự chặt chẽ. Xin ông cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có giải pháp nào để ngăn chặn, hạn chế tối đa sự việc tương tự?
- Theo phân cấp quản lý, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cho phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập, tổ chức kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm và đình chỉ các nhóm, lớp không bảo đảm các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Phòng Giáo dục và Đào tạo giúp UBND cấp quận, huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn, trong đó có cấp học mầm non, tham mưu, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã trong chỉ đạo, kiểm tra, xử lý những vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản hướng dẫn, đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm học, xác định việc bảo đảm an toàn cho trẻ là nhiệm vụ, cũng là mục tiêu quan trọng nhất. Từ năm học 2022-2023 đến năm học 2024-2025, giáo dục mầm non Hà Nội xác định chủ đề năm học là “Trường mầm non xanh – an toàn – hạnh phúc”. Rất nhiều giải pháp đã được triển khai từ đầu năm học tới nay, trong đó có việc tăng cường đầu tư để nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 80%-85% vào năm 2025; đổi mới hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; xây dựng nhóm trẻ, lớp mầm non điểm tại các xã, phường, lan tỏa các mô hình tốt, cá nhân điển hình có nhiều đóng góp cho chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, công khai nhóm trẻ, lớp mầm non được cấp phép để cha mẹ trẻ biết, lựa chọn...
- Đây không phải lần đầu tiên xảy ra hiện tượng giáo viên bạo hành trẻ. Việc bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng cho đội ngũ này được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND quận, huyện, thị xã đề nghị quan tâm nhiều hơn tới công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là công tác quản lý các nhóm lớp mầm non độc lập cho cán bộ UBND xã, phường, thị trấn; bồi dưỡng cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, chủ cơ sở về các văn bản quy định và nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, tình thương, trách nhiệm đối với trẻ.
- Thực tế, các nhóm lớp độc lập tư thục thường phát triển nhanh ở những địa bàn đông dân cư, khó kiểm soát. Theo ông, trách nhiệm của cha mẹ trẻ thế nào trong việc này?
- Đúng vậy, thực tế, các nhóm lớp độc lập tư thục thường phát triển nhanh ở những địa bàn đông dân cư, khó kiểm soát và hoạt động không ổn định. Vì vậy, rất cần sự chung tay phối hợp giữa nhà trường - gia đình - cộng đồng trong việc nâng cao chất lượng ở những cơ sở đã được cấp phép, và kịp thời phát hiện những cơ sở chưa được cấp phép.
Hằng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các địa phương đều công bố danh sách các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã được cấp phép tại từng địa bàn. Việc này nhằm tăng cường sự giám sát của nhân dân, cũng là căn cứ để phụ huynh trẻ biết được địa điểm gửi con bảo đảm an toàn. Để hạn chế các sự việc đáng tiếc, cha mẹ trẻ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, kiên quyết không gửi con ở những nơi chưa được cấp phép, không biển hiệu, điều kiện cơ sở vật chất sơ sài, thiếu an toàn... Ngành Giáo dục và Đào tạo và UBND cấp quận, cấp xã và các đoàn thể tại địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở để kịp thời ngăn chặn các sai phạm.
Tôi cho rằng, nếu có sự chung sức, trách nhiệm từ nhiều phía, chắc chắn hoạt động của hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập ở Hà Nội sẽ hoạt động chất lượng, an toàn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của phụ huynh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.