Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự chung sức của cộng đồng

Quỳnh Anh| 30/03/2010 07:06

(HNM) - Trong lớp, các em chăm chú nghe cô giáo luyện chữ. Bên ngoài, các bậc phụ huynh "lén" nhìn con mình học bài. Mỗi khi nghe con phát âm được những câu, từ tròn vành, rõ nghĩa, có người nở nụ cười mãn nguyện, có người lau những giọt nước mắt hạnh phúc.

Đây là hình ảnh thường thấy ở các lớp học xóa mù chữ cho người khuyết tật (NKT) do Hội NKT Hà Nội tổ chức ở các quận, huyện Hoàng Mai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội).

Một lớp học xóa mù chữ cho người khuyết tật ở huyện Gia Lâm.

Lớp học đặc biệt

Lớp học xóa mù chữ cho NKT ở huyện Gia Lâm, Hà Nội thường bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc vào 11h trưa. Khác với các lớp học thông thường, ở đây chỉ có 10 học sinh gồm nhiều lứa tuổi, chưa biết đọc, biết viết và mang nhiều loại bệnh tật khác nhau, có em bị teo cơ chân, có em liệt tay, có em thiểu năng trí tuệ...

Lớp học do Hội NKT Hà Nội thành lập vào tháng 8-2009 nhằm mục đích xóa mù chữ cho NKT, giúp NKT nhận biết, gọi tên và hiểu được những vật dụng, sự việc xảy ra xung quanh mình hằng ngày dù là ít ỏi, từ đó tự tin giao tiếp với bạn bè, người thân và xã hội. "Ngày mới nhận dạy các cháu, tôi băn khoăn, lo lắng rất nhiều bởi các cháu tật bệnh như vậy chẳng biết có học được không. Nhưng rồi được sự động viên của bạn bè và các bậc phụ huynh, tôi "liều" nhận lớp. Dạy các cháu rất vất vả, nhưng thật mừng là các cháu rất ham học" - chị Đỗ Thị Hồng Chuyên, giáo viên phụ trách lớp học phấn khởi.

Do học sinh đa dạng tật nên để xóa mù chữ cho các cháu, chị Chuyên phải hết sức kiên trì, nhẫn nại. Những em thiểu năng trí tuệ dù đã học viết chữ nhưng để hiểu, nhớ chữ cái cũng phải mất vài tuần. Có cháu tay không được bình thường, tập mãi mà nét chữ cứ nguệch ngoạc, chữ thấp, chữ cao... Dưới sự dạy dỗ tận tình, đầy trách nhiệm của chị Chuyên, các cháu đã có nhiều tiến bộ. Nhiều phụ huynh đã bất ngờ khi thấy con mình "linh hoạt" hơn trước. Các cháu đã biết đọc, biết viết, biết cộng, trừ, nhân, chia và còn biết dạ, thưa rất lễ phép.

Rạng rỡ nụ cười của phụ huynh

Hà Nội có 89.299 NKT, trong đó 14.882 NKT tốt nghiệp tiểu học, 14.314 NKT tốt nghiệp THCS, 5.405 NKT tốt nghiệp THPT, 1.394 NKT tốt nghiệp CĐ, ĐH...

Em Hoàng Văn Anh, 17 tuổi, con một gia đình nông dân nghèo ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Hồi nhỏ em bị sốt cao, gây biến chứng vai co rút, chân đi khập khiễng. Học chưa hết lớp 1, sức khỏe yếu, điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, em phải bỏ học. Từ đó, con chữ cứ "rơi rụng" dần, rồi em mù chữ hẳn. Sau 3 tháng đi học, Anh đã viết thành thạo tên mình, tên bố mẹ và đọc được bảng cửu chương...

Ngày con trai hớn hở về khoe đã biết đọc, biết viết, anh Hoàng Văn Thương mừng ra mặt. "Cháu bị tật nguyền, hằng tháng phải vào Bệnh viện Bạch Mai lấy thuốc về uống. Gia đình lo tiền thuốc thang, chữa bệnh cho cháu quá vất vả nên đành để cháu mù chữ. Từ ngày cháu được đi học, tôi thực sự ấm lòng".

Không để NKT mù chữ

Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 89.299 NKT, trong đó 29.754 người mù chữ. Do bị mù chữ nên đời sống vật chất và tinh thần của họ rất nghèo nàn. Trước thực trạng này, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 150/KH-UBND trợ giúp NKT giai đoạn 2009-2013, trong đó đặt mục tiêu xóa mù chữ cho NKT. Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, tháng 8-2009, Hội NKT Hà Nội đã mở thí điểm 5 lớp xóa mù chữ cho 56 NKT ở các quận, huyện Hoàng Mai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn. Sau 3 tháng, hầu hết học viên đã biết đọc, biết viết...

Ông Nguyễn Xuân Chúc, Trưởng ban Giáo dục Hội NKT Hà Nội cho biết, năm 2010 Hội sẽ tiếp tục duy trì 5 lớp học đã được mở, đồng thời mở thêm 6 lớp ở thị xã Sơn Tây, huyện Thanh Oai và các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm (Hà Nội) xóa mù chữ cho gần 100 NKT. "Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là sách giáo khoa, giáo trình giảng dạy dành cho NKT lại chưa có, trong khi đối tượng xóa mù chữ gồm nhiều dạng tật, lứa tuổi khác nhau, việc nhận thức cũng khác nhau", ông Chúc băn khoăn.

Xóa mù chữ cho NKT không phải là công việc đơn giản. Sự chung tay giúp sức của các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội sẽ giúp NKT không còn bị mù chữ để có thể tự vươn lên trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần sự chung sức của cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.