(HNM) - Đến tháng 4-2010, đề án "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội" đã hoàn tất khung chương trình cho ba cấp học, đề cương bài giảng mẫu và tổ chức giảng thử để rút kinh nghiệm, phấn đấu đưa vào giảng dạy trong các nhà trường từ năm học 2010-2011. Vấn đề trên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Báo Hànộimới xin ghi lại ý kiến của một số bạn đọc.
Đổi mới phương pháp giảng dạy, khơi dậy hứng thú khi học và thực hành môn Giáo dục công dân sẽ giúp các em hình thành phong cách ứng xử đúng mực trong cuộc sống. Ảnh: Linh Tâm |
* Ông Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thái Thịnh:
Nên thực hiện đề án sớm
Chương trình giáo dục đạo đức, văn minh, thanh lịch cho học sinh phổ thông các cấp đúng ra phải được triển khai sớm hơn nữa. Thời gian vừa qua tình trạng học sinh đánh nhau, ghi hình rồi tung lên mạng tràn lan là một dấu hiệu cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận học sinh phổ thông. Trước đây, hiếm thấy cảnh học sinh nữ đánh nhau, nếu vài học sinh nam va chạm lập tức các bạn sẽ can ngăn, can không được thì chạy đi thưa thầy, cô. Hiện nay, học sinh văng tục, chửi thề, đánh lộn... không phân biệt nam, nữ. Vì vậy, hiện thực hóa đề án "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội" theo tôi càng nhanh, càng tốt. Nếu xây dựng được môi trường học tập văn minh, thanh lịch ngay từ cấp tiểu học sẽ định hướng cho học trò luôn yêu thương bạn bè, tôn trọng thầy, cô; về nhà, các em cũng sẽ yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em, ra ngoài xã hội các em sẽ gương mẫu chấp hành pháp luật, nếp sống văn hóa nơi công cộng...
* Bà Trần Thị Thủy, phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân:
Cần đổi mới phương pháp giảng dạy
Tôi có hai con trai, một đang học THCS, một đã cuối THPT. Ở nhà các cháu ngoan, nhưng thông qua những câu chuyện của con kể, tôi biết ở lớp hiện tượng văng tục, chửi bậy, đánh nhau diễn ra khá phổ biến. Thế nhưng con trai tôi học lớp 7 về nói với mẹ: "Con thấy môn giáo dục công dân chả có ý nghĩa gì cả, chẳng bạn nào thích. Khi cô giảng bài, trong lớp vẫn có bạn đánh nhau...". Một tuần chỉ có hai tiết môn này, vậy mà theo các cháu thế là quá nhiều, không cần thiết. Vậy thì vấn đề nằm ở chỗ giáo viên phải có phương pháp giảng dạy ra sao để hấp dẫn học sinh chứ không phụ thuộc vào số lượng tiết học nhiều hay ít, chính quy hay không chính quy. Nội dung đề án hướng dẫn học sinh các hành vi ứng xử cụ thể rất cần thiết, nhưng cách dạy thế nào để đạt hiệu quả mới là quan trọng...
* Lê Thành Long, học sinh Trường THCS Phan Đình Giót:
Thầy, cô là tấm gương sáng cho học sinh
Lớp em, số bạn gái thường xuyên nói bậy ngang với bạn trai, còn chuyện đánh nhau nhiều khi diễn ra vì những lý do rất buồn cười, kiểu như đùa hơi mạnh tay, thế là xông vào đánh nhau. Mặc đồng phục cũng chỉ đối phó. Dù nhà trường yêu cầu mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần, nhưng cứ ngày nào có tiết của cô chủ nhiệm (cô rất nghiêm khắc) thì các bạn mới mặc đầy đủ, trong lớp ít nói chuyện riêng, không văng tục, các bạn gái cũng không dám son phấn lòe loẹt hay đi giày cao gót. Không phải vì cô nghiêm khắc mà chúng em sợ cô, ngược lại còn thích được nghe cô giảng bài, vì những giờ dạy văn của cô rất hay, giờ sinh hoạt lớp, cô có trách mắng chúng em vẫn không cảm thấy buồn; cô phân xử mọi việc công bằng, không bạn nào dám cãi, mặc dù trong lớp em cũng có bạn "đầu gấu" lắm...
* Bà Nguyễn Thị Hoa, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín:
Không thể chỉ phó mặc cho giáo viên và nhà trường
Ở ngoại thành, cha mẹ các em phải lo việc đồng áng, ít có điều kiện gần gũi kèm cặp con cái nên nhiều em sinh hư. Nhưng điều lạ là nếu con em có chuyện gì, bố mẹ hoặc là không để ý, hoặc lại đến trường làm ầm ĩ lên, sau đó dùng roi vọt dạy con mà không tìm hiểu rõ nguyên nhân để khuyên giải các cháu. Theo tôi, dù có bận rộn đến đâu, phụ huynh cũng không nên phó mặc việc giáo dục con em cho nhà trường. Cha mẹ cần rèn con từ những thói quen như đổ rác đúng nơi quy định, ra chỗ công cộng biết xếp hàng chờ đến lượt, không văng tục... Những hành động đó tuy nhỏ nhưng thể hiện rất rõ cách ứng xử văn minh, thanh lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.