(HNM) - Với 18 ý kiến sôi nổi, tâm huyết, thẳng thắn, thể hiện tình cảm, trách nhiệm với Thủ đô Hà Nội của cả nước, trong phiên thảo luận chiều 22-3 về dự án Luật Thủ đô, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết có luật này.
Quy định rõ hơn cơ chế, chính sách đặc thù
Để khắc phục những băn khoăn về các cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội, trong dự thảo trình Quốc hội lần này, Ban soạn thảo đã cho rà soát lại các cơ chế, chính sách đặc thù này theo nguyên tắc: Cơ chế, chính sách đặt ra phải thực sự đặc thù mà các quy định hiện hành của pháp luật không giải quyết được những vấn đề đặt ra với Thủ đô, đồng thời làm rõ tính hiệu quả của các cơ chế, chính sách đó. Đáng chú ý, về cơ chế, chính sách trong quản lý, thực hiện quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng Thủ đô, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ việc Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch chung của Thủ đô và quyết định vị trí khu vực trung tâm chính trị - hành chính quốc gia. Đây là những quy định mới so với quy định hiện hành của pháp luật, thể hiện rõ tính đặc thù của Thủ đô so với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
Liên quan đến quy hoạch Thủ đô, để giải quyết thực trạng của Hà Nội là tình trạng xây dựng lộn xộn, không có quy hoạch tổng thể hợp lý, dự thảo luật đã được bổ sung quy định: Khi triển khai dự án phát triển các tuyến đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội phải đồng thời tổ chức thu hồi đất hai bên đường theo quy hoạch; đối với các tuyến đường giao thông trong nội thành cần cải tạo, chỉnh trang thì thành phố Hà Nội có trách nhiệm lập dự án đồng bộ cả đường giao thông và cải tạo, chỉnh trang công trình hai bên đường, bảo đảm phát triển cân bằng, ổn định, giữ gìn không gian kiến trúc và nét đặc trưng của đô thị, nâng cao điều kiện sống của người dân. Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi cho người dân, dự thảo luật cũng đã được bổ sung quy định trong trường hợp quy hoạch có xây dựng nhà ở tái định cư hoặc thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh thì phải ưu tiên cho người có đất bị thu hồi được tái định cư tại chỗ hoặc tham gia dự án sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, để tạo quỹ đất sạch cho Thủ đô khai thác và phát triển theo quy hoạch, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng giao UBND TP Hà Nội phối hợp với các cơ quan hữu quan lập và trình Chính phủ quyết định lộ trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai và việc quản lý, sử dụng diện tích đất, công trình trên đất của cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, đại học, trường đại học, học viện, bệnh viện, cơ quan, tổ chức sau khi di dời khỏi nội thành phù hợp với quy hoạch.
Về vấn đề quản lý dân cư, do quy định của Luật Cư trú về điều kiện đăng ký thường trú khá "mở", vì thế tốc độ phát triển dân cư trên địa bàn Hà Nội thời gian qua rất nhanh, số dân nhập cư vào khu vực nội thành ngày càng gia tăng với tỷ suất nhập cư là 65,3% trong giai đoạn 5 năm 2005-2009. Sức ép về dân số đang thực sự là thách thức đối với chính quyền Thủ đô. Do đó, UBTV Quốc hội tán thành việc giữ nguyên các điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội như quy định hiện hành của Luật Cư trú; chỉ quy định các điều kiện đăng ký thường trú trong nội thành chặt chẽ hơn nhằm giảm bớt số lượng người nhập cư vào nội thành.
Về cơ chế, chính sách để bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, dự luật quy định 6 lĩnh vực áp dụng mức xử phạt cao hơn nhằm giáo dục, răn đe mạnh mẽ hơn và qua đó công tác giáo dục, phòng ngừa chung cũng sẽ tốt hơn. Trên tinh thần đó, UBTV Quốc hội lược bỏ lĩnh vực cư trú ra khỏi dự thảo luật trình tại kỳ họp trước; bổ sung lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội vào trong dự thảo luật vì đây là một trong những lĩnh vực quan trọng, trong đó có một số hành vi đặc thù cần được áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn.
UBTV Quốc hội cũng đề nghị giữ nguyên các cơ chế, chính sách khai thác, phát huy, sử dụng có hiệu quả nguồn lực về tài chính như trong dự thảo luật trình kỳ họp trước, đồng thời cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách khác nhằm khai thác nguồn lực tài chính, đất đai đầu tư cho xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô như: Quy định Chính phủ có trách nhiệm ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cùng với vốn đối ứng trong nước, vốn thực hiện các chương trình, dự án, nguồn tín dụng ưu đãi cho Thủ đô trên cơ sở các chương trình, dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường và phúc lợi công cộng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định; quy định HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình được thực hiện một số biện pháp tài chính để xây dựng, phát triển Thủ đô, bao gồm: sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và các công trình phúc lợi công cộng theo quy định của pháp luật; trong trường hợp cần thiết, được vay vốn ưu đãi từ các nguồn tài chính của Nhà nước, tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô theo quy định của pháp luật.
Dự luật cơ bản hàm chứa các quy phạm cần thiết
Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nhận xét, đây là luật khó, khó nhất trong các luật, động chạm đến tất cả các văn bản pháp luật khác nên cần phải bàn thảo căn cơ, kỹ càng để khi thông qua không băn khoăn.
Theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, sau nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo luật cơ bản đã hàm chứa các quy phạm cần thiết để thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô đúng với vị trí, vai trò của mình. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị dự luật thể hiện rõ hơn tính chất "đặc biệt" trong cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Hà Nội, nhưng phải quy định rõ, các chính sách Hà Nội ban hành không được trái với quy định của pháp luật, phải tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hiện hành. "Tôi ủng hộ tinh thần thông qua tại kỳ họp này… Đã đến lúc chúng ta cần thông qua luật vì Thủ đô rất cần luật để phát triển". Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cũng đề nghị, nếu thông qua luật thì nên có điều kiện phụ để Hà Nội có cơ sở pháp lý thực hiện ngay.
Tán thành với các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính dành cho Hà Nội, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị cần cụ thể hơn một số điểm như mức phân bổ ngân sách cao hơn các địa phương khác thì cao hơn bao nhiêu, ưu tiên phân bổ vốn ODA theo nguyên tắc nào… nếu không sẽ lại nảy sinh cơ chế xin - cho.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng tán thành việc tăng mức xử phạt hành chính với một số hành vi. Riêng với quy định về quản lý nhập cư, theo đại biểu, quy định như dự luật chưa đủ để giải quyết được vấn đề về sức ép dân số, bởi Hà Nội rất đông lao động tự do và họ không cần hộ khẩu. Do đó, cần thêm các giải pháp như mở các đô thị vệ tinh để giãn dân, thu phí giao thông, môi trường với trường hợp tạm trú từ 3 tháng trở lên ở Thủ đô… đồng thời tính đến các đô thị khác ngoài nội thành, bởi hiện một số vùng cũng đã đông dân và nếu không sớm điều chỉnh thì sau này sẽ phát sinh.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, để dự luật được thông qua tại kỳ họp này, Ban soạn thảo cần phải tập trung sửa chữa, hoàn chỉnh nhiều.
Các đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang), Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Nguyễn Đức Nhanh (Hà Nội), Phạm Hồng Sơn (Hà Nội), Phan Trung Lý (Nghệ An)… đều bày tỏ nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật của UBTV Quốc hội và cho rằng, những quy định mang tính cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển xứng tầm đã phù hợp với Hiến pháp. Các đại biểu này cũng cho rằng, dự luật tuy còn một số điểm cần phải chỉnh lý nhưng đó chủ yếu là về mặt từ ngữ, xét về nội dung, dự luật hoàn toàn có thể được thông qua tại kỳ họp này, giúp Hà Nội giải quyết được những vấn đề bức xúc trước mắt.
Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã tiếp thu ý kiến các đại biểu để tiếp tục hoàn chỉnh dự luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 29-3 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.