(HNMO) - Sáng 9-11, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. |
Bố cục Luật gồm 7 chương và 38 điều, được xây dựng trên 6 quan điểm chỉ đạo, trong đó ưu tiên bảo vệ sức khoẻ của mỗi người dân, gia đình và xã hội; giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu bia gây ra; phòng ngừa và giảm bớt các hậu quả về xã hội và gánh nặng kinh tế để khắc phục hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra.
Báo cáo cũng nêu rõ tình hình sử dụng bia rượu ở nước ta đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ, mức độ phổ biến của việc uống rượu bia và tỷ lệ uống ở mức nguy hại.
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu, về cơ bản, hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nội dung dự án Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động chính sách về các phương diện xã hội, tài chính, nhân lực và thủ tục hành chính phát sinh trong dự thảo Luật.
Về một số vấn đề cụ thể, Ủy ban đồng tình với chính sách “tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia” (khoản 2 Điều 3) nhưng đề nghị cần quy định cụ thể, minh bạch nguyên tắc của lộ trình tăng thuế ngay trong Luật.
Đồng thời, Ủy ban đề nghị bổ sung chính sách “ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với thanh niên, người chưa thành niên” và các quy định cụ thể hướng trực tiếp đến giới trẻ để ứng phó xu hướng trẻ hóa người sử dụng rượu bia, giảm thiểu những nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật và hệ lụy xã hội do rượu, bia.
Ủy ban cũng thể hiện sự đồng tình với quy định “cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức” (khoản 2 Điều 5). Các hành vi bị nghiêm cấm khác của Điều 5 gồm: Sử dụng cồn công nghiệp; nguyên liệu, phụ gia không bảo đảm chất lượng, không được phép dùng trong thực phẩm để sản xuất, pha chế rượu, bia; kinh doanh rượu không có giấy phép; kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng; nhập lậu rượu, bia; ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia và cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khỏe.
Về kiểm soát việc quảng cáo rượu, bia, nhiều ý kiến nhất trí với quy định kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo như dự thảo Luật để hạn chế khả năng tiếp cận và tính sẵn có của rượu, bia. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định kiểm soát chặt chẽ quảng cáo rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, quyền được tiếp cận thông tin về rượu, bia.
"Ủy ban nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng, những tác động bất lợi đến thu ngân sách nhà nước theo loại ý kiến thứ hai không so sánh được với chi phí mà ngân sách nhà nước và người dân phải bỏ ra cho việc điều trị bệnh và xử lý những vấn đề xã hội có liên quan đến rượu, bia; đồng thời, đánh giá cao việc Chính phủ đã quy định linh hoạt mức độ kiểm soát quảng cáo khác nhau đối với những sản phẩm rượu, bia có nồng độ cồn khác nhau" - bà Nguyễn Thúy Anh nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. |
Để quản lý rượu thủ công, Ủy ban nhất trí với quy định của dự thảo Luật nhưng cần đảm bảo tính khả thi, đơn giản hóa thủ tục hành chính với lộ trình hợp lý nhằm tiến tới mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát, có đăng ký nhãn hàng hóa, gắn với thương hiệu, làng nghề truyền thống, sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và hạn chế tối đa tác hại của rượu thủ công đối với sức khỏe.
Với quy định không được bán rượu, bia trên internet, Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cả về quy định của pháp luật và thực thi, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn Việt Nam, khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan (thương mại điện tử, thuế, bảo vệ người tiêu dùng…), đảm bảo mục tiêu phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Về kinh phí cho phòng, chống tác hại của rượu, bia, Ủy ban thấy rằng, nếu quy định kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành thì thực trạng kinh phí dành cho công tác này cơ bản sẽ không có gì thay đổi.
Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu để quy định trong Luật nguồn kinh phí rõ ràng, mang tính định lượng, thể hiện tính minh bạch, công khai, sự quan tâm, quyết tâm của Nhà nước đối với công tác này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.