Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần quan tâm đúng mức

Vũ Thủy| 06/05/2012 05:28

(HNM) - Trong công tác giáo dục toàn diện của các trường THCS, tiểu học, giáo viên - tổng phụ trách (GV-TPT) Đội có vai trò quan trọng, được ví như "máy cái" trong hoạt động đội và phong trào thiếu nhi. Nhưng trên thực tế, công việc của các thầy, cô GV-TPT chưa thực sự được quan tâm đúng mức…

Công việc phụ mà vẫn bị trách!

Không thể phủ nhận vai trò của GV-TPT Đội trong các trường THCS và tiểu học. Đó là cầu nối giữa Đội TNTP với các em thiếu nhi; cánh tay đắc lực của ban giám hiệu nhà trường trong quản lý nền nếp học tập, sinh hoạt; dẫn dắt, truyền cảm hứng các hoạt động, phong trào văn thể mỹ… Nhiều nơi, GV-TPT còn kiêm nhiều công việc khác như dạy thay, làm giám thị, theo dõi kỷ luật, thậm chí cả bảo vệ trường… "Đa năng" là thế, song chế độ đãi ngộ, ngay cả sự nhìn nhận, đánh giá của nhà trường đối với chức danh này lại chưa được coi trọng. Nhiều người trong nghề vẫn bảo nhau "TPT là tổng của các công việc phụ mà vẫn bị trách!", vì khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn, phụ cấp thấp…

Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng dành cho GV-TPT Đội để họ có thể cống hiến hết khả năng cho phong trào thiếu nhi.

Theo Thông tư 23/TTLN liên ngành giữa Bộ GD-ĐT, TƯ Đoàn, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính (Thông tư 23) trong mỗi trường học ở bậc tiểu học và THCS được biên chế một GV-TPT Đội, chịu trách nhiệm phụ trách mảng công tác đội và phong trào thiếu nhi trong trường học. Nếu GV-TPT chuyên trách thì được miễn giảng dạy các bộ môn văn hóa; GV-TPT bán chuyên trách thì dạy thay cho giáo viên nghỉ ốm, thai sản hoặc dạy đủ số tiết quy định (từ 4 đến 8 tiết/tuần khối THCS; từ 1 đến 3 buổi/tuần đối với khối tiểu học) cho một số lớp thuộc bộ môn của mình. Chế độ phụ cấp cho GV-TPT được chia làm 3 mức: Mức một (28 lớp trở lên) thì phụ cấp trách nhiệm hệ số 0,3 lương tối thiểu; mức hai (18 đến 27 lớp) phụ cấp trách nhiệm hệ số 0,2 lương tối thiểu; mức ba (dưới 18 lớp) phụ cấp trách nhiệm hệ số 0,1 lương tối thiểu. Tính ra GV-TPT Đội mỗi tháng phụ cấp tối thiểu là 105.000 đồng và tối đa là 315.000 đồng (áp dụng mức lương mới nhất từ 1-5-2012) thì vẫn không bằng đứng lớp dạy các môn văn hóa và được hưởng giờ dạy vượt khung theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Chế độ phụ cấp ít, chế độ khen thưởng của GV-TPT cũng có phần thiệt thòi so với giáo viên dạy các môn văn hóa. Đó là danh hiệu GV-TPT giỏi từ cấp quận, huyện đến cấp tỉnh, thành phố không được ngành giáo dục và các cấp chính quyền công nhận tương đương với giáo viên giỏi các bộ môn khác cùng cấp. Vì vậy, trong quá trình đề bạt, bổ nhiệm các vị trí quản lý, xét nâng lương, khen thưởng, nhiều người không được công nhận, dẫn đến không tạo được động lực phấn đấu, thi đua, rèn luyện của GV-TPT có trình độ, năng lực, kỹ năng tốt. Cụ thể như, giáo viên dạy giỏi cấp huyện được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhưng GV-TPT giỏi cấp huyện thì không được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cho một số GV-TPT không yên tâm công tác, chán nản, sức ì lớn…

Cần chế độ đãi ngộ xứng đáng

Hà Nội có 1.267 GV-TPT Đội, bán chuyên trách chiếm 75%; trong đó hơn 30% GV-TPT được phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã thống nhất với các trường chọn cử, khoảng 20% thi tuyển viên chức, còn lại là hiệu trưởng các trường trực tiếp phân công. Nhưng theo Trưởng ban Thiếu nhi Thành đoàn Hà Nội Dương Việt Hà, số lượng hơn 500 GV-TPT do hiệu trưởng phân công đa số là những giáo viên mới ra trường, kinh nghiệm không nhiều, luân chuyển liên tiếp gây nên tình trạng lãng phí trong việc tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên… Hiện nay, cả nước chưa có một trường đào tạo bài bản nào cho GV-TPT Đội (duy nhất Trường CĐ Sư phạm Hà Nội có môn học đoàn, đội, nhưng rất ít tiết học). Vì vậy, hầu hết GV-TPT Đội chỉ được tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày sau khi được phân công TPT. Nhưng tâm lý chung GV-TPT không tha thiết công việc này do chế độ đãi ngộ thấp, chỉ muốn đứng lớp giảng dạy nên nhiều trường hợp chỉ làm TPT được từ 6 tháng đến 1 năm lại chuyển (thi đỗ viên chức ngành giáo dục để đứng lớp dạy văn hóa hay xin chuyển làm bộ phận chuyên môn, chuyển công tác khác) cho dù Thông tư 23 quy định, thời gian bảo đảm chọn cử GV-TPT ít nhất 5 năm.

Tại hội nghị bàn về các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ công tác và phụ cấp trách nhiệm cho đội ngũ GV-TPT Đội, do Thành đoàn, Hội đồng Đội TP Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 23 ra đời được 16 năm (1996-2012), không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là về thực hiện chính sách đối với GV-TPT và quy định về độ tuổi. Đối với GV-TPT chuyên trách cần phải tổ chức thi tuyển, họ được hưởng phụ cấp, khen thưởng như giáo viên đứng lớp; đội ngũ bán chuyên trách thì giảm giờ dạy để có thời gian dành cho hoạt động của đội. Hội đồng Đội TP Hà Nội cần tham mưu với UBND TP Hà Nội có quy định về tăng lương trước thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm cho GV-TPT giỏi hoặc có sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp TP và TƯ. Về độ tuổi, quy định theo Thông tư 23 là từ 18 tuổi đến 35 là không phù hợp, cần mở rộng hơn, thậm chí không quy định độ tuổi (bởi tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp là 20 tuổi, cao đẳng là 21 tuổi, đại học là 22 tuổi và thực tế thì rất nhiều GV-TPT quá 35 tuổi). Riêng đội ngũ GV-TPT tại TP Hà Nội, tiêu chuẩn cần thêm yêu cầu đã qua đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ tại Trường Cán bộ đội Lê Duẩn. Chỉ khi nào, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành GD-ĐT coi GV-TPT như phó hiệu trưởng và được hưởng các chế độ đãi ngộ tương đương thì mới có thêm đội ngũ GV-TPT say nghề, cống hiến hết khả năng, trí tuệ cho công tác đội và phong trào thiếu nhi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần quan tâm đúng mức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.