Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần quan tâm đến nguyện vọng của người dân

Đỗ Hà| 07/09/2015 06:51

(HNM) -


Thực tế tại TDP 5, chúng tôi nhận thấy Trung tâm cách khu dân cư chưa đầy 10m, nằm sát hồ Đầm Khê. Tại đây, phóng viên ghi nhận được nhiều tâm tư từ phía các hộ dân sống quanh khu vực.

Trung tâm Phòng chống lao và bệnh phổi Hà Đông nằm sát khu dân cư.



Bà Nguyễn Thị Yến, số nhà 49 Nguyễn Viết Xuân đối diện Trung tâm cho biết, trước đây nhiệm vụ chính của Trung tâm là chỉ đạo tuyến huyện, xã về công tác phòng chống lao, bệnh phổi, nhưng nhiều năm nay, Trung tâm đã tổ chức khám, chữa bệnh nhân lao các thể ngay tại trụ sở, gây lo ngại trong nhân dân... Một người dân khác cho rằng, Việt Nam là nước đứng thứ 12/22 nước có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao nhất thế giới, nếu mở rộng Trung tâm thì nguy cơ lan truyền vi trùng lao đối với cư dân sẽ ngày càng cao.

Tìm hiểu về Trung tâm Phòng, chống lao và bệnh phổi Hà Đông, phóng viên được biết, đơn vị này tiền thân là Trạm chống lao Hà Tây, thành lập từ những năm 70 của thế kỷ trước. Nhiệm vụ chính của Trung tâm là chỉ đạo, thực hiện công tác phòng chống lao và bệnh phổi; củng cố và duy trì mạng lưới phòng chống lao, chỉ đạo tuyến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chuyên môn, kỹ thuật về các hoạt động thuộc lĩnh vực phòng chống lao đối với các cơ sở y tế trên địa bàn 14 huyện phía Tây - Nam Hà Nội…

Trao đổi với Báo Hànộimới liên quan đến kiến nghị của người dân TDP 5, ông Đỗ Như Chinh, Giám đốc Trung tâm cho biết, phản ánh, kiến nghị của người dân là đúng và chính đáng. Tuy nhiên, việc Trung tâm tổ chức khám, chẩn đoán cho bệnh nhân lao, bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính, siêu COPD… (có bảo hiểm) là căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao. Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm mỗi năm lên tới vài nghìn lượt người. Họ có thể đã mắc bệnh lao nhưng trước đó chưa có chẩn đoán gì và Trung tâm không có giường điều trị bệnh nhân. Còn toàn bộ số bệnh nhân mắc lao đã được chẩn đoán đều được cấp thuốc điều trị tại nhà, có sự giám sát của nhân viên y tế tuyến huyện, xã. Ông Chinh cũng thừa nhận việc người dân đến khám bệnh đã đi lại, ho và nhổ đờm, máu ra vỉa hè gần khu dân cư là có thật, nhưng việc này rất khó quản lý vì ngoài tầm kiểm soát của Trung tâm.

Về thông tin đơn vị sẽ mở rộng sau khi tiếp nhận cơ sở vật chất của Bệnh viện Da liễu Hà Nội (cơ sở 2), ông Chinh cho biết, do khu này nằm sát nhà dân (cách một bức tường) nên Trung tâm dự kiến chỉ chuyển bộ phận hành chính sang; còn phòng khám, phòng điều trị ngoại trú bệnh nhân lao và phòng xét nghiệm vẫn duy trì trong trụ sở cũ của Trung tâm. Riêng việc xử lý nước thải, chất thải y tế, từ nhiều năm nay Trung tâm đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, do vậy toàn bộ nước thải của đơn vị và một số bệnh viện trong khu vực đã được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường.

Trước thực trạng hoạt động khám, chữa bệnh của Trung tâm Phòng, chống lao và bệnh phổi Hà Đông như hiện nay, kiến nghị của nhân dân TDP 5 và căn cứ quy định hiện hành, đề nghị các cấp, ngành liên quan sớm kiểm tra, xác định xem hoạt động của cơ sở y tế này có gây ô nhiễm môi trường và lây nhiễm mầm bệnh ra khu dân cư hay không?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần quan tâm đến nguyện vọng của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.