Ngày 30-12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Giới thiệu những nét cơ bản của Luật Việc làm (sửa đổi), ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) gồm 9 chương và 94 điều.
Phạm vi điều chỉnh của Luật tập trung vào 6 nội dung, gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký lao động; hệ thống thông tin về thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý nhà nước về việc làm.
Theo ông Tào Bằng Huy, việc sửa đổi Luật Việc làm là cần thiết, để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm, nhất là kịp thời ứng phó và thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung (Bộ luật Lao động 2019, Luật Cư trú 2020, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, Luật Bảo hiểm xã hội 2024…).
Điểm mới dự thảo Luật đề xuất, đó là bổ sung quy định về đăng ký lao động để cơ quan chức năng nắm tình hình việc làm và mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp…
Nhấn mạnh đây là dự án luật quan trọng, có liên quan trực tiếp đến người lao động, TS Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng: Cần cân nhắc quy định về “hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động sao cho cân bằng với những người lao động làm việc không có quan hệ lao động - nhóm đang gia tăng hiện nay.
TS Phạm Thị Thu Lan cho biết thêm, lao động phi chính thức chiếm hơn 60% lực lượng lao động và đề xuất pháp luật về lao động cần quan tâm đến đối tượng này để phát huy tối ưu hiệu quả nguồn nhân lực.
Các ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, để kết nối thông tin trên phạm vi toàn quốc, cần xây dựng một sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia. Làm sao để doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh có thể kết nối với người lao động tận Hà Giang nếu cần. Cũng cần làm rõ những việc tổ chức công đoàn cần làm, nâng cao trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác bảo vệ, hỗ trợ kết nối việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng… cho người lao động và nêu các quy định này trong Luật Việc làm (sửa đổi).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.